Nhưng vị diễn giả của chúng ta, mà đôi mắt ngước lên trời, đang nhìn cõi
trần thăm thẳm dưới chân mình như một đống bụi đáng khinh bỉ, và đối với tất cả
các bông hoa thì ông ta chỉ có thể nói một điều: chúng đều đầy bụi. Và cả ở đây
ông ta cũng chỉ nhìn thấy có hai biện pháp, có tính chất tùy tiện như nhau trong
sự vận dụng chúng, bởi vì tùy tiện, theo ông ta nói, là hành động theo sự suy xét
cá nhân, mà sự suy xét cá nhân thì lại không thể tách rời khỏi những cái thuộc về
tinh thần v.v. và v.v.. Nhưng, nếu như hiểu những cái thuộc về tinh thần một cách
cá nhân, thì quan điểm này có hơn gì quan điểm kia, ý kiến của quan chức kiểm
duyệt có hơn gì ý kiến của tác giả? Tuy vậy, chúng ta cũng hiểu được tư tưởng
của diễn giả. Để chứng minh tính chất chính đáng của chế độ kiểm duyệt, diễn
giả đã chứng minh bằng con đường ngoắt ngoéo rất tuyệt diệu rằng cả chế độ
kiểm duyệt lẫn luật báo chí đều không chính đáng trong sự vận dụng chúng; vì
diễn giả coi tất cả mọi cái trên trần gian đều không hoàn thiện, cho nên đối với
ông ta chỉ còn mỗi một vấn đề: sự tùy tiện cần phải ở phía nhân dân hay là ở phía
chính phủ?
Sự thần bí của ông ta biến thành một sự trơ trẽn khi ông ta đem luật pháp và
sự tùy tiện nhập cục làm một và chỉ nhìn thấy sự khác biệt về hình thức ở những
nơi nào mà vấn đề là những mặt đối lập về đạo đức và pháp quyền, bởi vì ông ta
tranh luận không phải để chống lại luật báo chí mà chống lại luật pháp nói
chung. Có luật pháp nào do tính tất yếu bên trong mà trong từng trường hợp
riêng biệt nhất định sẽ được vận dụng đúng theo tinh thần của nhà lập pháp, tuyệt
đối gạt bỏ mọi sự tùy tiện không? Cần có một sự dũng cảm phi thường để gọi cái
nhiệm vụ vô nghĩa như vậy là hòn đá luyện vàng, bởi vì chỉ có sự dốt nát đến
cùng cực mới có thể đặt ra một nhiệm vụ như thế. Luật pháp mang tính chất phổ
biến. Trường hợp cần phải xác định trên cơ sở luật pháp, thì có tính chất đơn
nhất. Muốn quy cái đơn nhất vào cái phổ biến, cần phải có sự phán đoán. Phán
đoán là cái mang tính chất giả định. Muốn áp dụng luật pháp còn cần phải có
quan tòa. Nếu như luật pháp tự nó vận dụng được, thì tòa án sẽ là thừa.
Nhưng tất cả những gì của con người cũng đều là không hoàn thiện!! Vậy
thì: edite, bibite!
1*
Các ngài cần quan tòa để làm gì, một khi quan tòa cũng là
con người? Các ngài cần luật pháp để làm gì, một khi luật pháp chỉ có thể do con
người chấp hành, mà bất kỳ sự chấp hành nào của con người cũng đều không
hoàn thiện cả? Hãy tin vào ý chí tốt đẹp của cấp trên! Tư pháp tỉnh Ranh cũng
không hoàn thiện như là tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ! Vậy thì: edite, bibite!