Thêm vào đó, thuộc về tự do không phải chỉ có việc tôi sống bằng gì, mà còn có
việc tôi sống như thế nào, không phải chỉ có việc tôi thực hiện tự do, mà còn có
cả việc tôi làm điều đó một cách tự do. Nếu không như thế thì nhà kiến trúc chỉ sẽ
khác với con hải ly ở chỗ con hải ly là nhà kiến trúc khoác bộ da thú, còn nhà
kiến trúc thì lại là con hải ly không khoác bộ da thú.
Vị diễn giả của chúng ta lại quay trở lại một cách hoàn toàn không cần thiết
nói về vai trò của tự do báo chí ở những nước mà tự do báo chí đang thực tế tồn
tại. Bởi vì chúng ta đã phân tích cặn kẽ vấn đề này rồi, cho nên ở đây chúng ta
chỉ nhắc đến báo chí Pháp nữa thôi. Chẳng cần phải nói rằng những nhược điểm
của báo chí Pháp là những nhược điểm của dân tộc Pháp, chúng ta cho rằng nơi
mà diễn giả đi tìm cái xấu thì ở đây chúng tôi không thấy cái xấu đó. Báo chí
Pháp quyết không phải là quá tự do, mà là không đủ tự do. Mặc dù nó không phải
chịu sự kiểm duyệt về tinh thần, nhưng nó phải chịu sự kiểm duyệt về vật chất,
tức là phải chịu nộp một khoản tiền bảo đảm quá cao. Báo chí Pháp hoạt động
một cách vật chất, chính là vì nó bị tách ra khỏi lĩnh vực chân chính của mình và
bị lôi cuốn vào lĩnh vực của những vụ đầu cơ buôn bán lớn. Thêm vào đó, cần có
những thành thị lớn để tiến hành những vụ đầu cơ tiền tệ lớn. Vì vậy báo chí
Pháp tập trung ở một số ít điểm, và nếu như sức mạnh vật chất, được tập trung ở
một số ít điểm, đang làm mưa làm gió, thế thì cớ sao sức mạnh tinh thần lại phải
ở trong một tình cảm khác?
Còn nếu như các vị cứ một mực muốn xét đoán về tự do báo chí không phải
căn cứ theo những tư tưởng của nó, mà căn cứ theo sự tồn tại lịch sử của nó, thế
thì tại sao các vị không tìm nó ở nơi mà nó tồn tại một cách lịch sử? Các nhà
khoa học tự nhiên cố dùng thực nghiệm để dựng lại hiện tượng của tự nhiên dưới
những điều kiện thuần khiết nhất của nó. Các vị không cần một thực nghiệm nào
cả. Tại Bắc Mỹ, các vị tìm thấy hiện tượng
tự do báo chí dưới hình thức thuần khiết và tự nhiên nhất của nó. Nhưng, nếu ở
Bắc Mỹ có những cơ sở lịch sử lớn lao cho tự do báo chí, thì ở Đức những cơ sở
lịch sử còn lớn lao hơn nữa. Sách báo và nền giáo dục tinh thần của nhân dân gắn
liền một cách hữu cơ với những sách báo ấy, đương nhiên, không chỉ là những cơ
sở lịch sử trực tiếp của báo chí; chúng chính là bản thân lịch sử của báo chí.
Nhưng dân tộc nào trên thế giới lại có thể tự khoe về những cơ sở lịch sử trực
tiếp nhất ấy của tự do báo chí, hơn là dân tộc Đức?