Nhưng, - diễn giả lại ngắt lời chúng ta, - thật là đáng buồn cho nền đạo đức
ở Đức nếu báo chí Đức trở nên tự do, vì rằng tự do báo chí sẽ tạo ra “sự suy đồi
đạo đức bên trong là cái đang ra sức phá hoại niềm tin vào sứ mệnh tối cao của
con người, và cùng với điều đó thì cũng phá hoại cả cái cơ sở của nền văn minh
chân chính”.
Chỉ có báo chí kiểm duyệt mới có tác dụng làm suy đồi đạo đức. Tệ lớn nhất
- tệ giả dối - gắn liền với báo chí bị kiểm duyệt; tệ xấu căn bản này của nó là
nguồn gốc của tất cả những thiếu sót khác của nó, trong đó cả mầm mống của mỹ
đức cũng không có, tệ đó là nguồn gốc của tệ đáng ghét nhất - thậm chí xét theo
quan điểm mỹ học cũng thế - tệ tiêu cực. Chính phủ chỉ nghe thấy tiếng nói của
chính mình, chính phủ cũng biết rằng chính phủ chỉ nghe thấy tiếng nói của chính
mình, tuy vậy chính phủ vẫn duy trì sự tự dối mình, làm như thể nghe thấy tiếng
nói của nhân dân, và cũng đòi nhân dân phải ủng hộ sự tự lừa dối đó. Còn về phía
mình thì nhân dân hoặc giả một phần rơi vào tình trạng mê tín về chính trị, một
phần rơi vào chỗ không tin tưởng về chính trị, hoặc giả hoàn toàn quay lưng lại
với cuộc sống của quốc gia, biến thành đám người chỉ sống với cuộc đời riêng tư.
Nếu như Đức Chúa trời chỉ đến ngày thứ sáu mới nói về vật sáng tạo của
chính mình: “Và thấy rằng tất cả mọi cái đều tốt đẹp", thì báo chí bị kiểm duyệt
hàng ngày đều ca tụng vật sáng tạo của ý chí của chính phủ; nhưng vì ngày này
nhất định phải mâu thuẫn với ngày khác, nên báo chí thường xuyên nói dối và
đồng thời phải che đậy việc nó biết rõ sự dối trá của nó, phải không còn biết hổ
thẹn là gì nữa.
Cũng vì nhân dân buộc phải coi những tác phẩm tự do của tư tưởng là những
tác phẩm phạm pháp, cho nên họ quen coi cái phạm pháp là tự do, coi tự do là phi
pháp, coi cái hợp pháp là cái không tự do. Chế độ kiểm duyệt bóp chết tinh thần
nhà nước như thế đấy.
Nhưng diễn giả của chúng ta lại lo sợ tự do báo chí xuất phát từ lợi ích "của
những tư nhân". Ông ta không nghĩ rằng chế độ kiểm duyệt là sự xâm phạm
thường xuyên đến những quyền của tư nhân, và càng là một sự xâm phạm đến
các tư tưởng. Ông ta hăng say khi nói tới những mối nguy hiểm đang đe dọa một
số người; chẳng lẽ chúng ta lại không được hăng say khi nói tới những mối nguy
hiểm đang đe dọa toàn bộ xã hội hay sao?