Một số phóng viên báo chí cho rằng bản chỉ thị về chế độ kiểm duyệt chính
là một sắc lệnh mới về kiểm duyệt. Họ đã sai lầm, nhưng sai lầm của họ có thể
tha thứ được. Sắc lệnh về chế độ kiểm duyệt ra ngày 18 tháng Mười 1819 chỉ có
hiệu lực tạm thời - tới năm 1824, và cho đến nay nó cũng sẽ là một đạo luật tạm
thời; nếu như chúng ta không biết được, qua bản chỉ thị được công bố, rằng nó
chẳng bao giờ được thi hành cả.
Sắc lệnh năm 1819 ấy cũng là một biện pháp tạm thời, nhưng với sự khác
biệt là hồi bấy giờ, để chờ đợi những đạo luật có tính chất cố định, người ta đã ấn
định một kỳ hạn cụ thể là năm năm, trong khi đó thì bản chỉ thị mới không quy
định một kỳ hạn nào cả, và còn với sự khác biệt là hồi đó, đối tượng của sự chờ
đợi là những đạo luật về tự do báo chí, còn hiện nay thì đó là những đạo luật về
chế độ kiểm duyệt.
Những phóng viên báo chí khác coi bản chỉ thị về chế độ kiểm duyệt là sự
khôi phục lại bản sắc lệnh cũ về chế độ kiểm duyệt. Quan điểm sai lầm này của
họ đã bị chính bản chỉ thị đó bác bỏ.
Chúng ta coi bản chỉ thị về chế độ kiểm duyệt là sự báo trước về tinh thần
của một đạo luật được dự kiến về chế độ kiểm duyệt. Trong việc này, chúng ta
nghiêm khắc tuân theo tinh thần của sắc lệnh về chế độ kiểm duyệt năm 1819,
theo đó thì các đạo luật và các chỉ thị có một ý nghĩa như nhau đối với báo chí
(xem sắc lệnh đã dẫn, điều XVI, số 2).
Nhưng chúng ta hãy trở lại bản chỉ thị.
“Theo đạo luật này, cụ thể là theo điều 2, chế độ kiểm duyệt không được cản trở việc tìm hiểu chân lý
một cách nghiêm túc và khiêm tốn, không được bó buộc các tác gia một cách không cần thiết, không được
cản trở sự tự do chu chuyển của sách trên thị trường sách báo”.
Thế thì việc tìm hiểu chân lý mà chế độ kiểm duyệt không được ngăn cấm,
được đánh giá một cách cụ thể hơn: tìm hiểu một cách nghiêm túc và khiêm tốn.
Cả hai định ngữ đó không phải thuộc về nội dung của việc nghiên cứu, mà nói
cho đúng ra, nó thuộc về một cái gì nằm ở ngoài nội dung đó. Ngay từ đầu, hai
định ngữ đó làm cho việc nghiên cứu đi chệch khỏi chân lý và buộc nó phải chú ý
tới một định ngữ thứ ba chưa rõ nào đó. Nhưng há một sự nghiên cứu như thế,
thường xuyên hướng sự chú ý của mình vào yếu tố thứ ba này, cái yếu tố mà pháp
luật đã cho phép được quyền bắt bẻ - há một sự nghiên cứu như thế lại không để
mất hút chân lý hay sao? Há trách nhiệm đầu tiên của người đi tìm hiểu chân lý