Vậy thì ai cần phân chia các tác gia thành các tác gia “đủ tư cách” và tác gia
“không đủ tư cách” như vậy? Rõ ràng không phải là những người thật sự đủ tư
cách, bởi vì không có điều đó họ cũng vẫn biểu lộ được bản thân. Do đó, sự phân
chia như vậy là cần cho những người “không đủ tư cách”, những người này muốn
che chở bản thân bằng cái đặc quyền bên ngoài và, bằng cách đó, làm cho những
người chung quanh kính sợ họ?
Thêm nữa, môn thuốc giảm đau nửa vời ấy thậm chí cũng không gạt bỏ
được sự cần thiết phải có luật báo chí, vì như diễn giả của đẳng cấp nông dân đã
nhận xét về vấn đề này:
“Chẳng lẽ cả người có đặc quyền cũng không thể vượt quá quyền của mình và chuốc lấy cho mình sự
trừng phạt hay sao? Vì vậy, một luật báo chí nào đó bằng cách này hay cách khác cũng sẽ là cần thiết, hơn
nữa, ngay cả ở đây chúng ta cũng sẽ gặp phải những khó khăn như là trong luật báo chí chung".
Nếu như người Đức nhìn quay trở lại một chút lịch sử của mình, thì sẽ thấy
"những tác gia đủ tư cách" là một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự phát
triển chính trị chậm chạp của mình và của tình trạng thảm hại của nền văn học
trước Lét-xinh. Các học giả nhà nghề, các học giả phường hội, các học giả có đặc
quyền, các vị tiến sĩ, v.v., các tác gia học đường tầm thường của thế kỷ mười bảy
và mười tám, với những bím tóc cầu kỳ, với bộ điệu thông thái rởm và những bản
luận án vụn vặt vô nghĩa của họ, đã đứng giữa nhân dân và tinh thần, giữa cuộc
sống và khoa học, giữa tự do và con người. Các tác gia không được liệt vào hàng
những người đủ tư cách đã sáng tạo ra nền văn học của chúng ta. Gốt-sét và Lét-
xinh - các vị hãy lựa chọn họ giữa tác gia “đủ tư cách” và tác gia “không đủ tư
cách” đi?
Nói chung chúng ta không ưa thích thứ “tự do” chỉ muốn tồn tại bằng số
nhiều. Nước Anh đã cho chúng ta một thí dụ có quy mô lịch sử to lớn, chứng tỏ
rằng cái chân trời hạn chế của "những tự do" là nguy hiểm cho “tự do" biết bao
nhiêu.
“Câu chuyện về những tự do, về những đặc quyền", - Vôn-te viết, - “phải lấy sự phục tùng làm tiền đề.
Những tự do là những ngoại lệ của chế độ nô lệ chung”.
Tiếp nữa, nếu như diễn giả muốn loại những tác gia khuyết danh, và những
tác gia ký biệt hiệu ra khỏi phạm vi tác động của tự do báo chí và bắt họ phải
phục tùng chế độ kiểm duyệt, thì chúng ta phải nhận thấy rằng tên trên báo chí
không quan hệ gì cả, và ở nơi nào luật báo chí thống trị, thì ở đó người xuất bản,