Lịch sử trần tục, trái lại, bảo chúng ta rằng: sau sự sụp đổ của Rô-be-xpi-e, sự khai sáng về
chính trị, trước kia muốn vượt quá bản thân mình và lao mình vào ảo tưởng, lần đầu tiên bắt
đầu được thực hiện một cách tầm thường. Cách mạng đã giải phóng xã hội tư sản khỏi gông
cùm phong kiến và chính thức thừa nhận nó mặc dù chủ nghĩa khủng bố ra sức hy sinh nó
cho một chế độ sinh hoạt chính trị cổ đại. Trong thời kỳ Đốc chính, làn sóng sinh hoạt của
xã hội tư sản đã dâng lên cuồn cuộn. Cao trào xây dựng xí nghiệp công thương nghiệp, sự
ham muốn làm giàu, sự rộn rịp của đời sống tư sản mới, trong đó sự hưởng thụ cuộc sống đó
lúc đầu mang tính bừa bãi, nhẹ dạ, vô lễ và cuồng loạn; sự mở mang thực sự của ruộng đất ở
Pháp mà kết cấu phong kiến
đã bị búa rìu của cách mạng đập tan, mà vô số người sở hữu mới tích cực canh tác toàn diện
với những biểu hiện cuồng nhiệt đầu tiên; những hoạt động nhộn nhịp đầu tiên của nền công
nghiệp đã được giải phóng, - đây là một số biểu hiện sinh hoạt của xã hội tư sản mới chào
đời. Đại biểu chân chính của xã hội tư sản là giai cấp tư sản. Như vậy là giai cấp tư sản đã
bắt đầu nền thống trị của nó. Nhân quyền không còn chỉ tồn tại trên lý luận nữa.
Cái trở thành miếng mồi cho Na-pô-lê-ông ngày 18 tháng Sương mù không phải là phong
trào cách mạng nói chung như sự phê phán, thực tin ở lời nói của một Rốt-tếch hay một Ven-
cơ nào đó, đã lầm tưởng mà chính là giai cấp tư sản tự do chủ nghĩa. Chỉ cần đọc những bài
diễn văn của các nhà lập pháp thời bấy giờ là có thể tin như vậy. Khi đọc những bài diễn văn
đó, người ta sẽ có ấn tượng rằng mình bị chuyển từ Hội nghị Quốc ước sang một Hạ nghị
viện hiện đại nào đó.
Na-pô-lê-ông là sự thể hiện của trận chiến đấu cuối cùng của chủ nghĩa khủng bố cách
mạng chống xã hội tư sản mà cuộc cách mạng đó đã công khai tuyên bố, và chống nền chính
trị của xã hội đó. Đúng là Na-pô-lê-ông đã hiểu được bản chất thực sự của nhà nước hiện
đại; ông ta đã hiểu rằng nhà nước đó xây dựng trên sự phát triển thuận lợi của xã hội tư sản,
trên sự vận động tự do của lợi ích tư nhân, v.v.. Ông ta quyết định thừa nhận và bảo vệ cơ sở
đó. Ông ta không phải là một nhà khủng bố không tưởng. Nhưng đồng thời Na-pô-lê-ông còn
coi nhà nước là mục đích tự nó, còn đời sống thị dân chỉ là một tên thủ kho, một kẻ dưới
quyền ông ta và không có quyền có ý chí riêng. Ông ta hoàn thành chủ nghĩa khủng bố bằng
cách đem chiến tranh không ngừng
thay thế cho cách mạng không ngừng. Ông ta hoàn toàn thoả mãn chủ nghĩa vị kỷ của dân
tộc Pháp, nhưng cũng đòi hỏi phải hy sinh sự nghiệp của giai cấp tư sản, sự hưởng lạc, của
cải, v.v., mỗi khi mà mục đích chính trị của cuộc xâm lược đòi hỏi. Khi ông ta áp chế, như
một tên bạo chúa, chủ nghĩa tự do của xã hội tư sản - chủ nghĩa lý tưởng chính trị của thực
tiễn hàng ngày của xã hội này - thì ông ta cũng không thương tiếc gì lợi ích vật chất căn bản
nhất của xã hội đó, tức thương nghiệp và công nghiệp, mỗi khi có sự xung đột giữa những lợi
ích ấy với lợi ích chính trị của bản thân ông ta. Sự khinh bỉ của ông ta đối với các nhà kinh
doanh công nghiệp bổ sung cho sự khinh bỉ của ông ta đối với các nhà tư tưởng. Cả về mặt
nội trị, ông ta cũng đấu tranh chống lại xã hội tư sản, coi nó là kẻ thù của nhà nước, một nhà