Tính chất mập mờ của những động cơ của Rô-đôn-phơ đã được
nhà biện hộ Muyếc-phơ cố gắng che đậy bằng những chữ như "chủ yếu là", "ngoài ra",
"không phải là ít hơn".
Sau cùng, tất cả tính cách của Rô-đôn-phơ hoàn toàn biểu hiện trong sự giả dối "thuần tuý",
mà chính nhờ sự giả dối đó, ông ta tìm cách trình bày cho mình và cho người khác sự bùng
nổ của những tính ham mê xấu xa của mình thành những sự phẫn nộ chống những tính ham
mê của những kẻ ác. Kiểu cách này làm chúng ta nhớ lại kiểu cách tương tự của sự phê phán
có tính phê phán coi những sự ngu ngốc của chính nó là những sự ngu ngốc của quần chúng,
coi những sự công kích độc ác của nó đối với sự phát triển của thế giới bên ngoài nó là
những sự công kích độc ác của thế giới bên ngoài nó đối với sự phát triển, và cuối cùng coi
tính vị kỷ của nó, cái tính vị kỷ cho rằng mình đã hấp thụ được hết toàn bộ tinh thần, là sự
phản kháng vị kỷ của quần chúng chống lại tinh thần.
Sự giả dối "thuần tuý" của Rô-đôn-phơ, chúng ta sẽ chứng minh nó bằng thái độ của ông ta
đối với Thày giáo, đối với bá tước phu nhân Xa-ra Mác - Grê-go và đối với viên công chứng
Giắc-cơ Phe-răng.
Rô-đôn-phơ đã dụ dỗ Thày giáo đi ăn trộm nhà ông ta để lừa hắn vào bẫy và bắt hắn. Lợi ích
mà ông ta theo đuổi không phải là lợi ích của toàn nhân loại, mà là lợi ích thuần tuý cá nhân.
Vấn đề là Thày giáo giữ chiếc cặp của bá tước phu nhân Mác-Grê-go còn Rô-đôn-phơ rất
muốn vớ lấy chiếc cặp này. Về tête à tête của Rô-đôn-phơ với Thày giáo, cuốn tiểu thuyết đã
mô tả rõ ràng như sau:
"Rô-đôn-phơ ở trong tâm trạng lo lắng bứt rứt. Nếu ông ta bỏ lỡ dịp bắt Thày giáo thì dịp tốt đó chắc chắn không bao giờ
còn nữa; tên cướp đó từ nay đề phòng, hoặc có lẽ bị bắt và đưa đi tù, sẽ mang theo tất cả những bí mật mà Rô-đôn-phơ
muốn biết vô cùng".
Bắt Thày giáo, Rô-đôn-phơ sẽ chiếm lấy chiếc cặp của bá tước phu nhân Mác-Grê-go. Ông ta
bắt tay Thày giáo là xuất phát từ lợi
ích cá nhân. Ông ta chọc mù mắt Thày giáo cũng là xuất phát từ tình cảm cá nhân bồng bột.
Khi Dao bầu thuật lại với Rô-đôn-phơ cuộc đấu tranh giữa Thày giáo và Muyếc-phơ và
cho rằng sự chống cự ngoan cố của Thày giáo là do y biết số phận đang chờ đợi hắn, thì Rô-
đôn-phơ trả lời rằng: "Y không biết đâu". Khi nói câu đó, ông ta "lộ vẻ âu sầu và mặt nhăm
rúm lại vì cái vẻ gần như hung ác nói trên kia". Ý nghĩ trả thù đã hoàn toàn khống chế ông ta,
ông ta đã thưởng thức trước được cái thú vui man rợ mà hình phạt dã man đối với Thày giáo
đem lại cho ông ta.
Thế là khi y sĩ da đen Đa-vít, người mà ông ta coi là công cụ trả thù, xuất hiện, ông ta liền
kêu tướng lên: "Trả thù... Trả thù!..." giữa một cơn "thịnh nộ khốc liệt".
Một cơn thịnh nộ khốc liệt đã tràn ngập tâm hồn ông ta. Thế rồi ông ta rỉ tai với vị y sĩ cái
mưu kế của ông ta; khi vị y sĩ này sợ run người lên thì ông ta đã khéo che đậy ý nghĩa trả thù
cá nhân bằng một động cơ lý luận "thuần tuý". Ông ta nói đây chỉ là "vận dụng quan niệm"