giờ hoặc 16 giờ. Như vậy, thì trong trường hợp tốt nhất, mắt của họ cũng trở thành cận thị
nặng, còn trong trường hợp xấu nhất - rất thường thấy - thì phải mù vĩnh viễn do chứng đục
nhân mắt. Ngoài ra, vì phải thường xuyên làm việc ở tư thế cúi khom lưng, cho nên trẻ con
lớn lên cơ thể rất yếu, ngực lép, và do tiêu hoá không tốt mà mắc bệnh tràng nhạc, hiện tượng
phá hoại các chức năng của các cơ quan sinh dục phụ nữ hầu như là phổ biến ở các em bé
gái; cột sống bị vẹo cũng phổ biến như thế, cho nên "cứ nhìn dáng đi của các em là có thể
nhận ra chúng". Thêu đăng-ten, vô luận là đối với mắt hay đối với toàn cơ thể, đều có hậu
quả giống như thế. Những chuyên gia y tế làm chứng đã nhất trí nói rằng sức khoẻ của tất cả
trẻ con chuyên sản xuất đăng - ten đã bị tổn hại nặng nề, tất cả bọn chúng đều xanh xao yếu
đuối và bệnh tật; tầm vóc của chúng so với lứa tuổi rõ ràng là thấp bé; sức đề kháng bệnh tật
cũng kém hẳn các trẻ con khác. Bệnh tật thông thường của chúng là suy nhược toàn thân, hay
bị ngất, nhức đầu, đau hai bên sườn, đau lưng, đau thắt lưng, tim đập mạnh, nôn oẹ, mửa,
không muốn ăn, cột sống cong vẹo, bệnh tràng nhạc và bệnh lao phổi. Công việc ấy luôn
luôn huỷ hoại cực kỳ nghiêm trọng cơ thể của phụ nữ; đâu đâu cũng thấy kêu nhiều về bệnh
phụ nữ thiếu máu, khó đẻ và sẩy thai (trong bản "Báo cáo", Grên-giơ đã nhắc tới điểm ấy ở
nhiều chỗ). Người quan chức nhỏ này đã báo cáo với tiểu ban điều tra về lao động trẻ em
rằng chúng thường xuyên ăn mặc tồi tàn, quần áo đều rách bươm, ăn uống cũng rất kém,
phần lớn chỉ có bánh mì và nước chè, thường thường hàng mấy tháng không được trông thấy
miếng thịt - còn về tình hình đạo đức của trẻ con thì ông ta nói như sau:
"Tất cả những cư dân ở Nốt-tinh-hêm - cảnh sát, giới tu hành, chủ xưởng, công nhân và chính cha mẹ của các đứa trẻ ấy
- đều nhất trí khẳng định rằng chế độ lao động hiện nay là miếng đất tốt nhất để sinh ra hiện tượng đạo đức suy đồi. Thợ
luồn chỉ phần lớn là con trai, và thợ đánh ống phần lớn là con gái, thường thường bị gọi cùng một lúc đến công xưởng giữa
đêm khuya; lại vì cha mẹ chúng không thể nào biết được chúng phải làm việc ở đó bao lâu, cho nên chúng có cơ hội rất tốt
để cùng nhau làm trò bậy bạ, làm việc xong rồi lại cùng nhau đi chơi tếu. Tình hình ấy đã góp phần rất lớn làm cho hiện
tượng đạo đức bại hoại phát triển. Mọi người đều công nhận rằng ở Nốt-tinh-hêm, tình hình đạo đức bại hoại đã đạt tới mức
độ đáng sợ. Còn sự phá hoại nghiêm trọng của tình hình không tự nhiên cao độ ấy đối với an ninh và nền nếp gia đình của
các trẻ con và những người trẻ tuổi ấy thì không cần phải nói nữa".
Một ngành sản xuất đăng-ten khác, tức là móc đăng-ten bằng que móc, đã phát triển rộng
đến các vùng nông nghiệp Noóc-tâm-ptơn, Óc-xphoóc, Bét-phoóc và Bắc-kinh-hêm. Làm
công việc ấy, phần lớn là trẻ con và thiếu niên; tất cả chúng đều phàn nàn về ăn uống kham
khổ, rất ít khi được ăn thịt. Bản thân lao động của chúng hết sức có hại cho sức khoẻ. Chúng
phải làm việc trong những căn phòng nhỏ hẹp, không thoáng khí và nghẹt thở, luôn luôn ở tư
thế ngồi cúi gập trên bộ que móc. Để đỡ thân thể của mình trong cái tư thế gò bó ấy, các thiếu
nữ đều phải mặc áo lót có đính một mảnh gỗ; vì chúng phần nhiều bắt đầu làm việc từ khi
còn rất bé, xương còn rất mềm, cho nên loại áo lót ấy đã làm cho xương lồng ngực và xương
sườn hoàn toàn bị sai vị trí, khiến lồng ngực thường bị lép. Vì không khí chỗ làm việc rất
xấu, và khi làm việc lại phải luôn luôn ngồi cho nên đại đa số những thiếu nữ ấy mắc chứng
tiêu hóa không tốt, và sau khi chịu đựng sự giày vò ác nghiệt (severest) của chứng bệnh ấy,