một chút ít sức lực sau một tuần lễ làm việc mệt lử. Chỉ một số ít trẻ con đến nhà thờ và
trường học, các thầy giáo thường than phiền rằng chúng luôn luôn ở tình trạng ngái ngủ và
rất đần độn, mặc dù chúng rất thích học. Tình hình các cô gái và phụ nữ cũng như vậy. Người
ta bắt họ phải lao động quá sức một cách vô cùng tàn nhẫn. Tất nhiên sự mệt lử đến đau đớn
quá độ như thế, không thể không ảnh hưởng tới cơ thể của người công nhân. Hậu quả đầu
tiên của lao động quá mức ấy là các bắp thịt phát triển không đều, tức là các bắp thịt tay,
chân, lưng, vai và ngực, chủ yếu phải dùng sức lúc kéo và đẩy thì phát triển quá mức thường,
còn các bộ phận khác của thân thể thì lại kém phát triển vì thiếu chất dinh dưỡng. Trước hết
là cơ thể không lớn được hay lớn lên chậm: hầu hết thợ mỏ tầm vóc đều bé nhỏ, trừ những
thợ mở ở Uơ-uých-sia và Lê-xtơ-sia được làm việc trong những điều kiện đặc biệt thuận lợi
hơn. Sau nữa là tuổi dậy thì của con trai và con gái rất chậm, ở con trai thường muộn tới 18
tuổi. Uỷ viên tiểu ban Xai-mơn-xơ đã gặp một thanh niên 19 tuổi mà các bộ phận trong cơ
thể, trừ hàm răng, chỉ phát triển như một đứa trẻ 11-12 tuổi. Sự kéo dài thời kỳ thơ ấu ấy, về
thực chất, chỉ là kết quả của sự phát triển bị trở ngại và tất nhiên có hậu quả về sau. Trong
những điều kiện như thế và trong tình hình cơ thể suy yếu như vậy, nhất là với tư thế luôn
luôn gò bó khi lao động, những hậu quả phổ biến, nhất là: cẳng chân cong, đầu gối khẳng
khiu, bàn chân chữ bát, cột sống vẹo và những tật
khác; những tật ấy phổ biến đến mức là vô luận ở Y-oóc-sia, ở Lan-kê-sia hay ở Noóc-tơm-
bớc-len và Đớc-am nhiều người, trong đó có thày thuốc, đã nhất trí xác nhận rằng chỉ cần
nhìn thân hình con người là có thể nhận ra ngay ai là thợ mỏ trong đám hàng trăm công nhân.
Đặc biệt là phụ nữ bị lao động ấy làm hại nhiều nhất; thân thể họ ít khi được hoàn toàn bình
thường, nói cho đúng hơn, hầu như không bao giờ hoàn toàn bình thường. Bản báo cáo cũng
đưa nhiều bằng chứng nói lên rằng lao động trong các mỏ và các hầm mỏ đã làm cho cấu tạo
xương chậu của phụ nữ trở nên không bình thường, do đó sinh đẻ khó, thậm chí có khi chết.
Ngoài những tật loại ấy ra, công nhân mỏ than còn mắc rất nhiều bệnh nghề nghiệp mà các
công nhân mỏ khác cũng mắc phải; rất dễ thấy nguyên nhân trong điều kiện lao động của họ.
Trước hết là các bệnh đường ruột: ăn không ngon; phần nhiều bị đau bụng, lợm giọng và nôn
mửa, đồng thời khát nước dữ dội, nhưng để giải khát, họ chỉ có thứ nước bẩn, thường là hơi
âm ấm ở trong mỏ. Hoạt động của bộ máy tiêu hoá bị phá hoại, do đó mở đường cho các thứ
bệnh khác sinh sôi nảy nở. Theo lời làm chứng của nhiều người thì công nhân mỏ than
thường bị các bệnh về tim, như tim mở to, viêm tim, viêm màng tim, mạch thông tâm thất và
động mạch chủ bị co lại; nguyên nhân những bệnh ấy là lao động quá mức độ. Bệnh thoát vị
hầu như phổ biến, và là hậu quả trực tiếp của việc các bắp thịt bị căng thẳng quá độ. Phần thì
do bắp thịt bị căng thẳng quá độ, phần thì do trong hầm mỏ không khí đầy bụi cùng những
khí các-bô-ních và khí mỏ (lẽ ra ở đây dễ tránh) do đó sinh ra nhiều bệnh phải đau đớn và
nguy hiểm, nhất là bệnh suyễn; ở một vài khu vực, bệnh này đã xuất hiện trong đại đa số thợ
mỏ than vào khoảng bốn mươi tuổi, ở một số khu vực khác ngay từ ba mươi tuổi, khiến họ
mất năng lực lao động rất nhanh. Đương nhiên là hiện tượng tức thở bắt đầu sớm hơn nhiều ở