phơi bày như thế. Trong một số trường hợp cá biệt có lẽ đạo luật được tuân theo nhưng nói
chung thì mọi việc vẫn còn như cũ.
Nhưng nỗi đau khổ của người công nhân mỏ không phải chỉ có thế. Giai cấp tư sản vẫn
còn chưa thoả mãn về việc nó đang huỷ
hoại sức khoẻ của họ khiến tính mệnh họ hàng giờ hàng phút bị đe doạ, và cướp hết của họ
khả năng tiếp thu một chút giáo dục nào đó, lại còn bóc lột họ với những phương thức bỉ ổi
nhất. Ở đây, chế độ trả lương bằng hàng hoá không phải là điều ngoại lệ mà là lệ thường, và
được áp dụng một cách trắng trợn nhất. Chế độ cốt-ta-giơ được áp dụng rộng rãi ở đây, phần
nhiều là cần thiết, nhưng nó cũng được dùng để tăng cường hơn nữa sự bóc lột công nhân.
Ngoài ra công nhân còn bị đủ mọi phương pháp lừa đảo khác: than bán ra thì tính theo trọng
lượng, nhưng tiền lương công nhân thì phần lớn lại trả theo khối lượng, và nếu sọt than của
anh ta chưa đầy hẳn thì anh ta không nhận được một đồng tiền công nào, nhưng chở nhiều
hơn thì lại chẳng được thêm đồng nào. Nếu đá sỏi của mỗi sọt than vượt quá lượng quy định
thì người công nhân ấy không những hoàn toàn không được trả lương mà còn bị phạt, nhưng
đá sỏi nhiều do lỗi công nhân ít hơn là do chất lượng của mạch than. Nói chung ở các mỏ
than, chế độ phạt tiền tinh vi đến nỗi có khi một anh chàng khốn khổ sau khi lao động cả một
tuần lễ, đến lĩnh lương, thì được đốc công - đốc công thích phạt thì phạt, chẳng cần báo trước
cho công nhân rõ - cho biết rằng anh ta không những không được lĩnh đồng lương nào, mà
còn phải nộp bao nhiêu tiền phạt nữa! Nói chung đốc công độc đoán trong việc giải quyết
tiền lương; nó ghi nhận việc đã làm, rồi tuỳ ý muốn trả cho công nhân bao nhiêu thì trả,
người công nhân bắt buộc phải tin vào lời hắn nói. Ở một số mỏ tính tiền lương theo trọng
lượng thì người ta dùng những cái cân thập phân không chính xác, quả cân không cần phải
qua kiểm nghiệm của các nhà đương cục; thậm chí ở một mỏ còn đặt lệ rằng nếu công nhân
muốn khiếu nại cân không đúng thì phải báo cho đốc công biết trước ba tuần lễ! Ở nhiều
vùng, nhất là ở miền Bắc Anh, còn có tục lệ thuê công nhân cả năm; trong suốt năm ấy,
người công nhân không được làm cho chủ nào khác, nhưng người chủ thì lại không cam kết
phải cho họ có việc làm, thành thử có khi cả tháng họ không có việc làm, mà nếu
muốn đi nơi khác tìm công việc thì lại bị buộc vào tội tự ý bỏ việc và bị tống giam sáu tuần lễ
vào nhà tù. Một số hợp đồng khác bảo đảm cho công nhân cứ hai tuần lễ được 26 si-linh tiền
lương, nhưng lại không được thực hiện. Ở một vài khu, chủ mỏ cho công nhân vay một số
tiền nhỏ và bắt họ phải làm việc để trừ, như vậy là buộc họ theo mình. Ở miền Bắc còn có cái
tục lệ thường xuyên giữ của công nhân một tuần lễ tiền lương không phát để ràng buộc công
nhân mỏ với mỏ. Tình hình kể dưới đây làm cho những công nhân bị ràng buộc ấy hoàn toàn
sa xuống địa vị nô lệ: trong hầu hết các thẩm phán hoà giải thì cũng là bạn bè thân thích của
chủ mỏ, và họ có quyền hành hầu như vô hạn ở những vùng nghèo nàn lạc hậu ấy, ở những
nơi rất ít báo chí, - vả lại báo chí cũng chỉ phục vụ giai cấp thống trị thôi, - còn công tác cổ
động chính trị thì rất yếu. Thậm chí khó mà hình dung được những thẩm phán hoà giải ấy sử
dụng quyền xét xử mưu lợi cho chúng, đã bóc lột và ức hiếp những công nhân mỏ bất hạnh
ấy như thế nào.