thai nghén, dấy lên và hình thành những bí mật (và biết bao nhiêu cái bí mật đang được thai
nghén, dấy lên và hình thành sau những bụi cây !) mà cả cho việc dò xét những bí mật đó.
Sau chiến công biện chứng rực rỡ đó, tự nhiên là ông Sê-li-ga chuyển từ bản thân sự dò xét
sang nguyên nhân của sự dò xét. Ở đây, ông khám phá ra một bí mật: nguyên nhân của sự
dò xét là sự vui thích có ác ý. Và từ sự vui thích có ác ý, ông lại tiến thêm một bước đi tới
nguyên nhân của sự vui thích có ác ý. Ông nói:
"Mỗi người đều muốn tốt hơn người khác, vì anh ta không những giữ kín động cơ làm việc thiện của mình mà còn tìm
cách che giấu việc ác của mình bằng một màn sương mù hoàn toàn không nhìn qua được".
Phải đảo ngược câu đó, mới đúng: Mỗi người đều không những giữ kín động cơ làm việc
thiện của mình mà còn tìm cách che
giấu việc ác của mình bằng một màn sương mù hoàn toàn không nhìn qua được vì anh ta
muốn tốt hơn người khác.
Như vậy là chúng ta đã đi từ cái bí mật tự che giấu mình đến cái "tôi" che giấu cái bí mật
đó, từ cái
"tôi" đó đến chiếc cửa đóng, từ chiếc cửa đóng đến sự dò xét, từ sự dò xét, đến
nguyên nhân của sự dò xét, đến sự vui thích có ác ý, từ sự vui thích có ác ý đến nguyên nhân
của sự vui thích có ác ý, đến ý muốn tốt hơn người khác. Chẳng mấy chốc chúng ta sẽ được
hưởng cái thú vui thấy người đày tớ đứng trước chiếc cửa đóng. Nguyện vọng phổ biến muốn
được tốt hơn người khác đưa chúng ta trực tiếp tới nhận định là "mỗi người đều có sẵn xu
hướng thâm nhập vào bí mật của những người khác". Ở đây, nhà phê phán thêm vào một
cách thoải mái một nhận xét hóm hỉnh:
"Về mặt này, những người đầy tớ chiếm một vị trí có lợi nhất".
Nếu như ông Sê-li-ga đã đọc những hồ sơ trong kho lưu trữ của sở cảnh sát Pa-ri, những
hồ sơ của Vi-đốc, "Sách đen" của nước Pháp, v.v., ông sẽ biết rằng về mặt này, cảnh sát còn
chiếm "vị trí có lợi hơn" là những người đầy tớ ở trong "một vị trí có lợi nhất", rằng những
người đầy tớ chỉ được cảnh sát sử dụng vào những việc giản đơn nhất, còn cảnh sát thì không
dừng lại trước cửa, và không chỉ có mặt khi chủ nhân đang cởi quần áo, mà thậm chí còn
chui vào tận trong chăn bên cạnh thân thể trần truồng của chủ nhân theo kiểu femme galante
hoặc thậm chí với tư cách là vợ của chủ nhân nữa. Và trong truyện của Ơ-gien Xuy, tên mật
thám "Tay đỏ" là một trong những người thể hiện chủ yếu của toàn bộ tình tiết đang phát
triển.
Điều mà "từ nay", ông Sê-li-ga lấy làm phiền lòng về bọn đầy tớ là ở chỗ họ thiếu "vô tư,
không vụ lợi". Sự hoài nghi phê phán đó mở đường cho nhà phê phán đến với anh gác cổng
Pi-plê và vợ y.
"Trái lại, hoàn cảnh của người gác cổng đảm bảo cho anh ta một sự độc lập tương
đối khiến anh ta có thể biến bí mật ở trong nhà thành đối tượng của sự chế giễu tự do không vụ lợi tuy khắc nghiệt và chua
cay".