la/ounce vào năm 1971 lên đến 612,56 đô-la/ounce vào năm 1980, trong đó
bao gồm một cú nhảy vọt ngắn hạn lên mức 850 đô-la/ounce vào tháng
1/1980.
Trong con mắt của nhiều người, thế giới thật sự trở nên điên đảo. Một
thuật ngữ mới, “đình lạm, hay lạm phát đình đốn (stagflation)”, đã được
dùng để mô tả sự kết hợp chưa từng xảy ra giữa lạm phát cao và tăng trưởng
trì trệ ở Mỹ. Cơn ác mộng kinh tế từ năm 1973 đến năm 1981 là sự đối lập
hoàn toàn với sự tăng trưởng bằng con đường xuất khẩu mà hành động phá
giá đồng đô-la hướng tới. Những động cơ của phá giá đã hoàn toàn phá sản.
Khi niềm tin vào đồng đô-la gần như tan vỡ, người ta tuyệt vọng trông
chờ vào một chính quyền mới cùng với những chính sách mới. Mỹ đã tìm
thấy cả hai điểm này khi Tổng thống Jimmy Carter chỉ định Paul Volcker
vào ghế chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang vào tháng 8/1979 và Ronald
Reagan trúng cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/1980.
Volcker đã giữ vai trò Thứ trưởng Ngân khố từ năm 1969 đến năm 1974
và cũng đã tham gia sâu vào các quyết định bãi bỏ Bản vị vàng và thả nổi
đồng đô-la trong khoảng thời gian từ 1971 đến 1973. Giờ đây ông ta phải
sống với hậu quả của những quyết định đó, nhưng kinh nghiệm bản thân đã
giúp ông hoàn toàn tự tin sử dụng các đòn bẩy lãi suất, nghiệp vụ thị trường
mở và hạn mức hoán đổi để đảo ngược tình thế khủng hoảng của đồng đô-la,
giống như ông ta và Arthur Burns đã thực hiện trong thời kỳ khủng hoảng
đồng Bảng Anh vào năm 1972.
Đối với lạm phát, Volcker đã áp dụng chiến thuật “buộc garô và xiết chặt
để cầm máu”. Ông tăng lãi suất Fed lên mức đỉnh 20% vào tháng 6/1981, và
liệu pháp gây sốc này đã có tác dụng. Một phần nhờ Volcker, lạm phát hàng
năm giảm mạnh từ 12,5% vào năm 1980 xuống còn 1,1% vào năm 1986.
Vàng cũng theo sau, giá trung bình rơi từ 612,56 đô-la năm 1980 xuống còn
317,26 đô-la vào năm 1985. Lạm phát đã bị đánh bại và vàng cũng bị chinh
phục. Hoàng đế đô-la đã trở lại.
Mặc dù những nỗ lực của Volcker là vô cùng quả cảm, nhưng đây không
phải là lý do duy nhất làm giảm tình trạng lạm phát và làm cho đồng đô-la
mạnh hơn. Ngoài ra còn phải kể đến tín dụng công bằng, có được do việc