Phụ tá Tổng thống Peter G. Peterson đã ước lượng rằng việc phá giá đồng
đô-la tạo ra ít nhất 500.000 công việc mới trong vòng hai năm tới.
Không may là những kỳ vọng thái quá này đã sớm bị nghiền nát. Chưa tới
hai năm sau đó, Hoa Kỳ đã rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể
từ Thế chiến thứ II, với GDP sụt giảm, nạn thất nghiệp tăng vọt, khủng
hoảng dầu lửa, thị trường chứng khoán sụp đổ và lạm phát ở mức hỏa tiễn.
Bài học về một quốc gia không thể phá giá đồng tiền đi đến thịnh vượng đã
không nằm trong sự hiểu biết của Nixon, Connally, Peterson và thị trường
chứng khoán vào cuối năm 1971, cũng như với những người tiền nhiệm của
họ trong cuộc Đại suy thoái. Dường như đây là một bài học khó tiếp thu.
Cũng như với những hội nghị tiền tệ quốc tế lớn vào những năm 20 và 30,
những lợi ích của Hiệp ước Smithsonian đã bị chết yểu. Đồng Bảng Anh bị
phá giá lần nữa vào ngày 23/6/1972, lần này dưới hình thức thả nổi thay vì
tuân theo tỷ suất Smithsonian. Đồng Bảng ngay lập tức rớt 6% và rớt tiếp
đến 10% vào cuối năm 1972. Đã có nhiều lo lắng về hiệu ứng lây lan từ việc
phá giá đồng Bảng Anh lên đồng Lia của Ý. Tham mưu trưởng của Nixon
đã báo cáo tóm tắt cho ông nghe về cuộc khủng hoảng tiền tệ mới của châu
Âu. Câu trả lời bất hủ của Nixon được ghi lại là: “Tôi không quan tâm.
Chúng ta chẳng làm gì được trước vấn đề này... Tôi cóc cần phải quan tâm
đến đồng Lia.”
Vào ngày 29/6/1972, Đức áp đặt lệnh kiểm soát tiền tệ với nỗ lực ngăn
chặn việc thu mua hỗn loạn đồng Mark. Cho đến ngày 3/7, cả Franc Thụy
Sỹ và đô-la Canada đều được thả nổi. Việc phá giá đồng Bảng Anh cuối
cùng dẫn tới việc thất bại thảm hại của đồng đô-la, khi các nhà đầu tư tìm
kiếm sự an toàn với đồng Mark Đức và đồng Franc Thụy Sỹ. Tháng 6/1972
John Connally từ chức Bộ trưởng Ngân khố, và bộ trưởng mới, George P.
Shultz, hầu như ngay lập tức chìm vào công việc cứu vãn cuộc khủng hoảng
đồng đô-la khi vừa nhận chức. Với sự giúp đỡ của Paul Volcker, cũng làm
việc tại Bộ Ngân khố, và chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang Arthur Burns,
Shultz đã có thể khởi động hạn mức hoán đổi, về cơ bản là những khoản vay
ngắn hạn, giữa Hệ thống Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung
ương Châu Âu, và bắt đầu can thiệp vào các thị trường nhằm xoa dịu cơn