quốc gia có nguồn thặng dư nói trên đã bỏ tất cả số trứng mà họ có vào một
rổ, và chẳng thu nhập được gì nhiều. Đầu những năm 1990, phần nào do quá
trình toàn cầu hóa, các khoản dự trữ tăng rất mạnh, do đó các quốc gia thặng
dư bắt đầu tìm cách tăng cao thu nhập từ các khoản đầu tư của họ. Các ngân
hàng trung ương không có khả năng làm tốt nhiệm vụ này bởi họ thiếu
những nhân sự cần thiết (chuyên viên đầu tư, chuyên gia quản lý danh mục
đầu tư) để chọn lựa đầu tư vào cổ phiếu, hàng hóa, cổ phần tư nhân, địa ốc
hay quỹ phòng vệ..., tức là những hình thức đầu tư chính để mang về thu
nhập cao hơn. Từ đó người ta lập ra các quỹ SWF để quản lý hiệu quả các
hình thức đầu tư này. Những SWF đầu tiên xuất hiện cách đây vài thập kỷ,
nhưng đa số hình thành trong khoảng mười năm gần đây, khi các chính phủ
giao cho họ những khoản tiền cực lớn từ quỹ dự trữ của ngân hàng trung
ương, với nhiệm vụ đầu tư vào các danh mục đa dạng trên khắp thế giới.
Ở hình thức căn bản của mình, các quỹ đầu tư quốc gia có ý nghĩa về mặt
kinh tế. Hầu hết tài sản đều được đầu tư một cách chuyên nghiệp, không
mang ý đồ chính trị nào. Tuy nhiên, thực tế không luôn luôn đúng như vậy.
Một số quỹ đầu tư vào những dự án phù phiếm (như trường hợp các quỹ của
Trung Đông đầu tư vào các đội đua xe thể thức 1 của McLaren, Aston
Martin và Ferrari), một số sự đầu tư lại có những ý đồ chính trị và kinh tế
hoàn toàn khác. Trong giai đoạn đầu của cuộc suy thoái năm 2007, các quỹ
SWF là nguồn tiền chính dùng cho quá trình giải cứu nền kinh tế. Cuối 2007
và đầu 2008, các quỹ SWF đầu tư hơn 58 tỷ đô-la để vực dậy các tập đoàn
lớn như Citigroup, Merrill Lynch, UBS và Morgan Stanley. Trung Quốc
thậm chí còn dự tính bơm thêm 1 tỷ đô-la đầu tư vào Bear Stearns hồi đầu
năm 2008, dự tính này chỉ bị bãi bỏ khi Bear Stearns gần như sụp đổ vào
tháng 3 năm đó. Rồi sau khi những khoản đầu tư này tan thành mây khói
trong Cơn hoảng loạn 2008, chính phủ Mỹ đành phải nhảy vào, dùng tiền
thuế thu được từ người dân để tiếp tục các đợt giải cứu. Quỹ đầu tư quốc gia
mất một khoản tiền cực kỳ to lớn vào những vụ đầu tư vừa nêu, tuy nhiên vị
thế chứng khoán và ảnh hưởng của chúng vẫn còn tồn tại.
Phần thuyết trình của tôi tập trung vào khía cạnh tiêu cực của những
khoản đầu tư của SWF, cụ thể là cách các quỹ đầu tư quốc gia này hoạt động