Các đường đồ thị này vẫn là hình thể siêu kích thước cho dù chúng ta có
phóng to lên để có những kết quả tính theo giờ, theo ngày, theo tháng hoặc
theo năm. Tương tự như vậy khi ta xem xét các đồ thị của thị trường tiền tệ,
trái phiếu và các công cụ phái sinh. Chúng cho thấy sự dịch chuyển của giá
cả, và theo đó là rủi ro, được phân phối theo quy tắc lũy thừa và mô hình đồ
thị là hình thể có kích thước lớn hơn 1.0. Các đặc điểm này mâu thuẫn với
phân phối chuẩn rủi ro và nhất quán với phân phối quy tắc lũy thừa đối với
các sự kiện trong hệ thống phức hợp. Trong khi cần phải làm việc thêm về
lĩnh vực này, nhưng với phần trình bày trên đây cũng đủ thuyết phục để hiểu
rằng các thị trường vốn là những hệ thống phức hợp có phân phối quy tắc
lũy thừa.
Điều này khiến cho các phân tích quay lại vấn đề quy mô. Đâu là quy mô
của các thị trường tiền tệ và các thị trường vốn, và quy mô đó ảnh hưởng
đến rủi ro như thế nào? Nếu các thảm họa lớn đều tuân theo hàm lũy thừa
của quy mô, thì mỗi sự gia tăng quy mô đều mang lại sự gia tăng rủi ro rất
lớn. Các thị trường vốn liên tục gia tăng quy mô, cho nên những con “thiên
nga đen” cứ kéo đến nhanh hơn và đông hơn.
Tư duy về quy mô của các thị trường vốn ngày nay cũng giống như việc
cố gắng đo đạc kích thước của cánh đồng trước khi người ta phát minh ra
những đơn vị đo lường như foot, yard hoặc mét. Hiện chưa có hệ thống đo
lường thống nhất để tính toán mức độ rủi ro thị trường theo lý thuyết phức
hợp và các động lực trong tình trạng tới hạn. Sự thiếu hụt này đã từng có
tiền lệ. Động đất từng xảy ra trong lịch sử, nhưng thang đo Richter đo lường
cường độ và tần số động đất chỉ được phát minh từ năm 1935. Các trận động
đất chính là những sự chuyển pha trong hệ thống phức hợp các kiến tạo địa
tầng; tần số và cường độ của chúng được đo lường theo thang Richter cũng
tuân theo một phân phối quy tắc lũy thừa. Không phải tình cờ mà các đồ thị
mô tả thị trường chứng khoán lại tương tự như biểu đồ địa chấn (xem hình 3
bên dưới).