kinh tế của Triều Tiên và phản ứng toàn cầu, được dự kiến kết hợp cả động
cơ về địa – chính trị lẫn nhân đạo. Đây là một kịch bản khả thi nhưng lại là
một sự lựa chọn lạ lùng cho một trò chơi chiến tranh tài chính. Triều Tiên
gần như không có sự kết nối nào với hệ thống tài chính toàn cầu như các
nước khác. Thoạt đầu, thật khó nhận ra làm thế nào để đưa những vấn đề
như vàng và tiền tệ vào kịch bản này.
Ngồi trong phòng thủ đô Trung Quốc, tôi nghiêm túc lắng nghe các đồng
đội của mình thảo luận về việc liệu Mỹ có thể từ chối viện trợ cho Triều
Tiên để làm cho tình hình trở nên tệ hơn như một sự mở đầu cho việc thống
nhất hai miền nam bắc Triều Tiên hay không. Bởi vì đây là một đội có xu
hướng sợ rủi ro, họ thống nhất ý kiến về một gói viện trợ nhân đạo cùng với
một vài biểu hiện cho thấy rằng Trung Quốc ủng hộ quá trình thống nhất hai
miền trong tương lai một cách hòa bình.
Vào một thời điểm im ắng thích hợp trong cuộc thảo luận, tôi quay sang
anh bạn Harvard và nói, “Xem nào, vẫn chưa quá muộn để chúng ta quay lại
với thứ gọi là tiền tệ được đảm bảo bằng vàng này. Chúng ta có thể tuyên bố
một vài động thái ủng hộ sáng kiến của người Nga cùng với một vài dự định
nghiên cứu tìm hiểu chúng và có thể tham gia cùng họ trong tương lai.”
Lúc này, anh chàng Harvard bắt đầu mất kiên nhẫn. Anh ta rõ ràng nghĩ
rằng vấn đề này đã bị lãng quên và có thể chắc chắn được lờ đi. Nếu Trung
Quốc gia nhập vào hệ thống của Nga, họ sẽ phải hoán đổi dự trữ đô-la Mỹ
để lấy vàng nhằm đảm bảo cho loại tiền tệ mới. Trong số các lý do phản đối
khác, anh chàng này cho rằng người Nga đã đặt ra một mức giá quá cao.
“Coi kìa,” anh ta đốp chát lại, “tất cả những thứ này chẳng có ý nghĩa nào
cả. Vàng không phải là một phần của hệ thống thống tiền tệ và nó sẽ không
quay trở lại dù cho người Nga có làm gì chăng nữa. Họ chỉ nghĩ cho bản
thân họ mà thôi. Anh muốn dùng đồng tiền mạnh (tức là đô-la Mỹ - ND) để
mua vàng với mức giá bị thổi phồng lên; còn tôi thà giữ lại đồng đô-la –
chúng đáng giá hơn nhiều. Nào, bây giờ hãy quay lại với vấn đề Triều Tiên.”
Là một chuyên gia lừng danh về châu Á, anh chàng đến từ Harvard này rõ
ràng rất thích thú với cơ hội nghiên cứu về các vấn đề song phương phức tạp
của Đông Á hơn là đeo đuổi cái mà anh ta cho là cuộc đối thoại không có