dân tệ Trung Quốc chỉ trong vòng vỏn vẹn ba ngày! Sự kiên quyết của nước
Nhật theo hướng phá giá này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu của
Trung Quốc vào Nhật, so với xuất khẩu từ những nước có chi phí thấp hơn
như Indonesia và Việt Nam.
Trung Quốc đã tấn công Nhật Bản bằng một đợt cấm vận, ngược lại Nhật
trả đũa bằng việc phá giá nội tệ, nhưng bên ngoài cả hai nước đều giả vờ
như đang tranh cãi về những hòn đảo xa xôi không có người ở và số phận
của một viên thuyền trưởng tàu đánh cá bị giam giữ. Vài tuần sau tình hình
ổn định lại, viên thuyền trưởng được thả, Nhật đưa ra lời xin lỗi tạm thời,
đồng Yen lên giá lại và dòng vận chuyển đất hiếm qua Nhật cũng được phục
hồi. Người ta đã tránh được một hậu quả tồi tệ hơn thế, nhưng cả hai bên
đều rút ra được những bài học và đều sẵn sàng “mài kiếm” cho lần đụng độ
tiếp theo.
Khi tham gia vào một cuộc chiến tiền tệ, bạn phải luôn đối mặt với những
hậu quả ngoài ý muốn. Giả sử rằng một đợt phá giá nội tệ, chẳng hạn xảy ra
ở châu Âu, thành công với mục đích kỳ vọng và giúp hàng xuất khẩu từ
châu Âu rẻ hơn, từ đó xuất khẩu trở thành một động lực của tăng trưởng.
Điều này tốt cho châu Âu, song sau đó việc chế tạo hàng hóa ở những nước
khác phải chịu thiệt hại do mất thị trường (vào tay các nhà xuất khẩu châu
Âu – ND), từ đó dẫn tới việc đóng cửa các nhà máy, giãn thợ, phá sản và suy
thoái v.v... Suy thoái mở rộng sẽ khiến doanh số bán hàng của châu Âu giảm
theo, không phải do tỷ giá mà do người lao động ở những nước khác không
đủ tiền để mua hàng xuất từ châu Âu ngay cả với những mức giá rẻ hơn
trước. Ảnh hưởng suy thoái toàn cầu này của những cuộc chiến tiền tệ có thể
phải mất nhiều thời gian hơn mới xuất hiện, nhưng có lẽ đó chính là ảnh
hưởng tiêu cực nhất.
Vì thế, phá giá tiền tệ để đẩy mạnh xuất khẩu không hề là một vấn đề đơn
giản. Nó có thể dẫn đến chi phí đầu vào gia tăng, những đợt phá giá trả đũa,
những hàng rào thuế quan và cấm vận, suy thoái toàn cầu v.v... xảy ra rất
sớm sau đó. Với những hậu quả tiêu cực và những tác dụng ngoài ý muốn
như thế, nhiều người có thể thắc mắc tại sao chiến tranh tiền tệ vẫn xảy ra.