những đồng tiền vàng 1 ounce với giá trị quy đổi bằng 20 đô-la vào thời đó;
tuy nhiên Mỹ không chính thức áp dụng Bản vị vàng trong việc quy đổi từ
tiền giấy ra vàng mãi cho đến khi Đạo luật Bản vị vàng ra đời vào năm
1900. Vì thế có thể xem Mỹ là nước lớn cuối cùng tham gia hệ thống Bản vị
vàng cổ điển.
Các nhà kinh tế khá nhất trí với nhau khi nói về những kết quả kinh tế
thuận lợi của thời kỳ này. Giulio M. Gallarotti, sử gia kinh tế và lý thuyết gia
hàng đầu của thời kỳ Bản vị vàng này đã tóm tắt ngắn gọn như sau trong tác
phẩm The Anatomy of an International Monetary Regime (tạm dịch Mổ xẻ
một cơ chế tiền tệ quốc tế):
Trong phạm vi các quốc gia áp dụng Bản vị vàng trong giai đoạn ba thập
kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX, hiếm khi xảy ra những luồng di chuyển vốn
một cách bất thường, hiếm khi có những can thiệp về tỷ giá, thương mại
quốc tế tăng trưởng kỷ lục, hầu như không có các vấn đề về cán cân thanh
toán, vốn, tư liệu sản xuất và người lao động dịch chuyển dễ dàng, hầu như
không có nước nào hủy bỏ khả năng chuyển đổi từ tiền giấy ra vàng
(convertibility) và nếu có thì cũng sớm quay lại, tỷ giá luôn được giữ trong
giới hạn tương ứng của vàng (tức là cực kỳ ổn định), có rất ít xung đột về
chính sách giữa các nước, việc đầu cơ mang tính chất bình ổn (tức là hành vi
đầu tư có xu hướng đem tỷ giá quay trở lại trạng thái cân bằng nếu như các
đồng tiền bị định giá sai), các điều chỉnh rất nhanh gọn, thanh khoản dồi
dào, lòng tin của cả khu vực công và khu vực tư vào hệ thống tiền tệ quốc tế
là rất lớn, giá cả ổn định và có thể dự đoán trong dài hạn, lạm phát thấp, viễn
cảnh dài hạn trong sản xuất công nghiệp và tăng trưởng thu nhập là khả
quan, thất nghiệp giữ ở mức khá thấp.
Nhận xét rất tích cực trên đây của Gallarotti được tán đồng bởi một
nghiên cứu khác của Ngân hàng Dự trữ St. Louis, với kết luận “Thành tích
kinh tế tại Hoa Kỳ và Anh trong giai đoạn Bản vị vàng là tốt hơn nhiều so
với giai đoạn phát hành tiền theo luật định (từ bỏ Bản vị vàng – ND) sau
đó”. Giai đoạn 1870-1914 là thời kỳ vàng son, xét theo khía cạnh tăng
trưởng mà không có lạm phát, của cải và năng suất gia tăng tại các nước
công nghiệp hóa và chế tạo hàng hóa.