Một phần quan trọng giải thích cho tính hấp dẫn của Bản vị vàng là tính
đơn giản của nó. Trong hệ thống này không nhất thiết phải có một ngân
hàng trung ương (mặc dù ngân hàng trung ương có thể thực hiện một số
chức năng nhất định), và thực tế thì ngay nước Mỹ cũng không có ngân
hàng trung ương trong thời kỳ Bản vị vàng. Khi tham gia vào “câu lạc bộ
Bản vị vàng”, một quốc gia chỉ đơn giản tuyên bố rằng đồng tiền giấy của
họ có giá trị bằng một khối lượng vàng nhất định nào đó, và rằng họ sẵn
sàng mua hay bán vàng với mức giá đó để đổi lấy tiền giấy đã phát hành, với
bất kỳ số lượng nào từ các nước thành viên khác. Quá trình mua bán vàng ở
mức giá gần với mức giá mục tiêu nhằm duy trì giá mục tiêu cũng tương tự
như nghiệp vụ thị trường mở ngày nay: nó có thể được ngân hàng trung
ương thực hiện, mà cũng có thể do chính phủ thực hiện trực tiếp hay gián
tiếp thông qua các đại diện tài khóa như ngân hàng và nhà kinh doanh tiền
tệ. Mỗi nhà kinh doanh tiền tệ được ủy quyền đều phải có quyền tiếp cận
một lượng vàng nhất định, với sự hiểu biết rõ rằng khi thị trường hỗn loạn,
sẽ cần nhiều vàng hơn để đổi cho người dân. Mặc dù chính phủ có can thiệp,
song sự can thiệp này được thực hiện một cách minh bạch và mang tính bình
ổn hơn là thao túng thị trường.
Đối với tài chính quốc tế, lợi ích của hệ thống này nằm ở chỗ khi giá trị
của hai đồng tiền được neo với một khối lượng vàng nhất định thì tỷ giá
giữa hai đồng tiền đó cũng được “neo” lại với nhau. Quá trình ràng buộc lẫn
nhau này không đòi hỏi sự có mặt của các thể chế như IMF hay G20 như
hiện nay. Trong thời kỳ Bản vị vàng cổ điển, thế giới được hưởng lợi từ sự
ổn định của các loại tiền tệ và giá cả, mà không cần có cơ chế giám sát lẫn
nhau hay việc lập kế hoạch của các ngân hàng trung ương.
Một lợi ích nữa của Bản vị vàng là bản chất tự quay về trạng thái cân
bằng, không chỉ xét trên các nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày, mà ngay cả
khi xét tới những sự kiện lớn hơn như việc thay đổi sản lượng khai thác và
sản xuất vàng. Nếu nguồn cung vàng tăng nhanh hơn so với năng suất của
xã hội (điều đã từng xảy ra khi người ta khám phá được những mỏ vàng tại
Nam Phi, Úc và khu vực Yukon trong giai đoạn 1886-1896), mức giá hàng
hóa sẽ tạm thời tăng lên. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn tới việc gia tăng chi phí