Thế chiến thứ I kết thúc không phải với một sự đầu hàng của bên nào, mà
kết thúc với một sự đình chiến, hay thỏa thuận ngừng bắn. Khi đình chiến,
người ta kỳ vọng các bên có thể tạm dừng thù địch và ngồi vào bàn thương
lượng hòa bình, nhưng trong một số trường hợp thì hòa hội vẫn thất bại và
tiếng súng lại tiếp tục trở lại. Thương lượng về một nền hòa bình lâu dài
chính là mục tiêu của Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919. Anh và Pháp hiểu
rõ rằng đã đến lúc tính toán phí tổn cho cuộc chiến, và họ xem hòa hội Paris
chính là cơ hội tốt để áp những khoản chiến phí đó lên các nước bại trận như
Đức và Áo.
Tuy nhiên, thành công của thương lượng tại Paris không hề là một việc
đương nhiên xảy ra. Tuy bộ binh và hải quân Đức bị đánh bại nặng nề vào
tháng 11/1918, tới mùa xuân năm 1919 vẫn chưa có hiệp ước hòa bình nào
được ký kết, đồng thời càng lúc càng ít thấy khả năng phe Đồng minh muốn
hay có thể tiếp tục cuộc chiến. Do đó các cuộc thương lượng về bồi thường
chiến phí vẫn dậm chân tại chỗ. Khả năng của phe Đồng minh trong việc áp
đặt các điều khoản của hiệp ước đã suy giảm dần trong thời gian từ tháng
11/1918 đến tháng 3/1919. Bây giờ, để buộc nước Đức chấp nhận các điều
khoản hòa bình do phe Đồng minh đưa ra, có lẽ quân Đồng minh cần phải
tràn ngập lãnh thổ Đức.
Quy mô và nội dung của các khoản bồi thường chiến phí mà nước Đức
phải gánh chịu là một trong những vấn đề đau đầu nhất tại Hội nghị Hòa
bình Paris năm đó. Đầu tiên, Đức buộc phải nhường một số vùng lãnh thổ và
tiềm năng công nghiệp của họ. Mặt khác, nếu như phần nhượng bộ nói trên
càng nhiều thì nước Đức càng ít có khả năng thanh toán các khoản bồi
thường chiến phí về tài chính mà họ cũng bị buộc phải trả. Pháp dòm ngó
kho vàng của người Đức, vốn đã lên tới 876 tấn vào thời điểm 1915, trữ
lượng này đứng hàng thứ tư thế giới sau Mỹ, Nga và Pháp.
Tuy người ta chỉ đơn thuần quan tâm tới việc người Đức có khả năng trả
được bao nhiêu bồi thường chiến phí cho Đồng minh, thực tế thì bức tranh
toàn cảnh phức tạp hơn rất nhiều, khi mà cả các nước thắng cuộc và thua
cuộc trong thế chiến thứ I đều đang lâm vào nợ nần. Như tác giả Margaret
MacMillan đã viết trong tác phẩm Paris 1919 , cả Anh và Pháp đều cho Nga