thương mại thế giới và trở thành một nền kinh tế độc lập, tuy vẫn còn một
vài liên hệ với Áo và Đông Âu. Sau đó là động thái phá giá tiền tệ so với
vàng của Mỹ vào năm 1933, giành lại phần nào lợi thế cạnh tranh về chi phí
xuất khẩu đã mất vào tay Anh hồi năm 1931. Cuối cùng đến lượt Pháp và
Anh phá giá một lần nữa. Năm 1936, Pháp từ bỏ Bản vị vàng và trở thành
nước lớn cuối cùng thoát khỏi những ảnh hưởng nặng nề của Đại suy thoái,
trong khi Anh phá giá nội tệ một lần nữa để giành lại phần nào lợi thế đã
mất về tay Mỹ sau tuyên bố phá giá đô-la của Tổng thống F.D. Roosevelt
năm 1933.
Với những vòng xoáy phá giá tiền tệ và mất khả năng trả nợ nối tiếp nhau,
các nền kinh tế thế giới như lao vào một cuộc đua tới đáy vực, trên đường
đua đó thương mại bị đình trệ, sự thịnh vượng bị tàn phá. Tính chất bất ổn
và tự hủy hoại của hệ thống tiền tệ quốc tế trong thời kỳ này khiến Chiến
tranh tiền tệ lần thứ nhất trở thành lời cảnh báo nghiêm khắc với thế giới
ngày nay, khi chúng ta cũng đang phải đương đầu với hàng núi nợ mất khả
năng thanh toán.
Chiến tranh tiền tệ bắt đầu năm 1921 khi Ngân hàng trung ương Đức
(Reichsbank) bắt đầu hủy hoại giá trị đồng Mark Đức bằng việc ồ ạt in tiền,
dẫn đến lạm phát phi mã. Quá trình này được dẫn dắt bởi người đứng đầu
Reichsbank khi đó là Tiến sĩ Rudolf von Haven stein (người nguyên là một
luật sư chuyển qua làm ngân hàng), và lạm phát xảy ra chủ yếu khi
Reichsbank mua trái phiếu chính phủ Đức để cung cấp tiền cho chính phủ
bù đắp thâm hụt ngân sách và tiếp tục chi tiêu. Đây là đợt phá giá tiền tệ với
quy mô lớn nhất và ảnh hưởng nặng nề nhất ở một nền kinh tế phát triển.
Người ta vẫn đồn đoán rằng nước Đức chủ tâm phá giá đồng tiền của họ để
thoát khỏi gánh nặng chiến phí phải trả cho Anh và Pháp theo Hiệp ước Ver
sailles. Thực sự thì khoản bồi thường chiến phí được tính theo “Mark vàng”,
tức là bằng một lượng vàng hay một lượng ngoại tệ tương đương cố định,
đồng thời các nghị định thư sau hiệp ước nói trên cũng quy định dựa trên
một tỷ lệ phần trăm xuất khẩu của Đức, bất kể giá trị của đồng Mark Đức là
bao nhiêu đi nữa. Những điều khoản thanh toán gắn với vàng và giá trị xuất
khẩu này thực ra không thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Tuy nhiên, ngân