Ngôn ngữ ở trong một mối quan hệ
kép đối với công tác giáo dục. Một mặt,
nó liên tục được sử dụng trong mọi
ngành học cũng như trong toàn bộ phép
tắc trường quy; mặt khác, nó là một môn
học riêng biệt. Chúng ta sẽ chỉ xem xét
tác dụng thông thường của ngôn ngữ, vì
lẽ những hiệu ứng của tác dụng này đối
với thói quen suy nghĩ tỏ ra sâu sắc hơn
nhiều so với những tác dụng của nó đối
với việc nghiên cứu có ý thức.
Ngôn ngữ về mục đích không chủ yếu có tính trí tuệ
Mệnh đề thường gặp “ngôn ngữ
bộc lộ suy nghĩ” chỉ chứa một nửa sự
thật, mà đó là nửa sự thật dễ đưa đến
chỗ sai lầm hoàn toàn. Ngôn ngữ quả có
bộc lộ suy nghĩ nhưng không phải là chủ
yếu cũng như, ngay từ đầu, không chủ ý.
Động cơ chính của ngôn ngữ là gây ảnh
hưởng (thông qua sự biểu lộ ham muốn,
cảm xúc và ý nghĩ) đến hoạt động của
những người khác; tác dụng thứ hai của
ngôn ngữ là đi vào những quan hệ xã
giao thân mật hơn với họ; việc sử dụng
chúng như một phương tiện hữu ý
chuyên chở ý nghĩ và tri thức là dạng
thức xếp thứ ba và có được tương đối
muộn mằn. Sự tương phản được chỉ ra
rõ ràng trong tuyên bố của John Locke
rằng ngôn từ có tác dụng kép – tác dụng
“có tính dân sự” và “có tính triết lý”.