cơn đau đó. Ông cố uống hết chén nước, đi nằm và duỗi chân ra. Ông cho
Piot đi ra ngoài.
Vẫn cứ thế. Khi thì một tia hy vọng lóe lên, khi thì biển tuyệt vọng nổi sóng
và vẫn cứ đau, đau mãi, vẫn thấy buồn da diết và vẫn cứ mãi một điệu ấy.
Nằm một mình buồn kinh khủng, muốn gọi ai đó, nhưng ông biết trước
rằng có mặt những người khác lại còn tệ hại hơn.” Hay là lại tiêm mooc-
phin, để mà thiếp đi. Mình sẽ bảo với bác sĩ để ông ta nghĩ xem có dùng
thêm thuốc gì nữa không? Chứ thế này thì không được, không thể được”.
Một giờ, rồi hai giờ đồng hồ trôi qua như vậy. Nhưng rồi có tiếng chuông
réo ở phòng ngoài. Có lẽ là bác sĩ. Đúng là bác sĩ tới, ông ta tươi tắn, vui
vẻ, tráng kiện, béo núc ních, vẻ mặt ông ta như muốn nói: các vị ở đây đang
có điều gì đó lo sợ, còn chúng tôi giờ đây tới để thu xếp mọi việc cho các
vị. Bác sĩ biết rằng vẻ mặt đó không thích hợp ở đây, nhưng đã khoác vẻ
mặt đó ông không sao giũ ra được, giống như một người buổi sáng khoác
chiếc áo đuôi én lên người và đi thăm thú bạn bè vậy.
Bác sĩ rửa tay một cách khoan khoái, như muốn an ủi người bệnh.
- Tôi bị lạnh. Băng giá khiếp. Để tôi sưởi một lát, - ông nói với cái vẻ như
chỉ cần đợi một lát để ông sưởi ấm và khi ông đã sưởi ấm rồi thì mọi sự sẽ
được chỉnh đốn đâu vào đấy.
- Nào, thế nào?
Ivan Ilich cảm thấy bác sĩ muốn nói: “Tình hình thế nào?” Nhưng chính
ông ta cũng thấy không nên hỏi như vậy, nên ông ta nói: - Đêm qua ông
ngủ được không?
Ivan Ilich nhìn bác sĩ như muốn hỏi:
“Chả lẽ không bao giờ anh thấy hổ thẹn khi nói dối ư?”
Nhưng bác sĩ không muốn hiểu câu hỏi đó.