Diệp Quần nói như để Ngô Pháp Hiến an lòng, “Chỉ là một
khúc quanh của lịch sử, giống như đêm cách mạng của Nga Sô.
Làm cách mạng là biệt tài của tướng quân phải không?”
Ngô Pháp Hiến không biết trả lời như thế nào. Họ Ngô hành
động theo thói quen trong quân ngũ, đứng thẳng lên và tuyên
thệ, “Bất cứ điều gì Lâm thống chế sai khiến tôi, tôi sẽ thi hành
cho đến chết.” Câu nói đó vang lên đối với Ngô Pháp Hiến như là
lời nói của một người nào khác. Họ Ngô biết mình vừa đi đến
một quyết định không thể nào trở lui được nữa.
Sau đó Lâm Bưu tiếp tục thuyết phục Ngô Pháp Hiến về cách
giải quyết Mao một cách gọn gàng, vì theo Lâm Bưu thì chính
Mao cũng đang quyết định như vậy đối với Lâm Bưu. Có những
dấu hiệu cho thấy Giang Thanh và Trương Xuân Kiều đang tìm
hết cách cắt giảm quyền độc tôn quân sự của Lâm Bưu. Sự liên
lạc giữa Lâm Bưu và Giang Thanh gần đây đã hết sức căng
thẳng. Trước kia hai người cộng tác với nhau rất mật thiết,
nhưng sau kỳ đại hội đảng tại Lư Sơn vừa qua thì Giang Thanh
bí mật điều hành các chiến dịch chống Lâm Bưu. Giang Thanh
đã thành công gieo những ý nghĩ nghi ngờ vào đầu óc Mao, và
lôi cuốn những người bất mãn với Lâm Bưu vào phe nhóm của
mình.
Về phía Mao cũng có những hành động lạ lùng. Mao thường
triệu tập các tướng tư lệnh các quân khu mà không cho Lâm
Bưu biết. Trong các cuộc hội họp với các tướng quân khu, Mao
thường chỉ trích hai tướng Hoàng Vĩnh Thắng và Ngô Pháp
Hiến là bọn thư lại bất tài. Mao còn gọi Lâm Bưu là tên thống chế
tội ác, chứ không còn gọi là đồng chí như trước nữa. Trước kia
Lâm Bưu thường được mời dùng bữa tối với Mao, nhưng gần
đây, Lâm Bưu nhận thấy những bữa ăn tối ấy thưa hẳn đi. Mao
lấy cớ kém sức khoẻ nên giảm bớt công việc để đọc sách. Nhưng
Lâm Bưu biết rất rõ là Mao đang hoạt động mạnh hơn bao giờ
hết, họp liên miên với các cộng sự thân tín để trao đổi tin tức và