then chốt tại Quảng Tây. Năm 1957 họ Ngô trở thành chính ủy
của không quân và đến năm 1965 trở thành tư lệnh không
quân. Ngô Pháp Hiến có liên hệ mật thiết với Lâm Bưu từ cuộc
chiến tranh Quốc-Cộng. Vì thế năm 1967 Ngô Pháp Hiến được
Lâm Bưu bổ nhiệm thêm chức vụ điều khiển bộ máy an ninh
chính trị của hồng quân Trung Hoa.
Người thứ ba là Khâu Hộ Tác, tư lệnh hậu cần của hồng quân
Trung Cộng và được coi là người tin cẩn nhất của Lâm Bưu. Năm
1949 Khâu Hộ Tác nắm phân bộ chính trị tại Hồ Nam và phục
vụ cho đệ tứ dã chiến quân. Từ 1952 đến 1954, họ Khâu đảm
trách chính trị cho toàn thể miền nam Trung Hoa, và sau đó làm
chính ủy cho quân khu Quảng Đông. Năm 1955 Khâu Hộ Tác
được thăng chức trung tướng. Từ năm 1959 trở đi, họ Khâu
đảm trách phần vụ hậu cần cho hồng quân Trung Cộng và là hội
viên của Quân ủy hội từ năm 1965. Năm 1969, nhờ ảnh hưởng
của Lâm Bưu, Khâu Hộ Tác trở thành ủy viên chính thức của Bộ
Chính Trị.
Người cuối cùng trong Tứ Đại Kim Cương là Lý Tác Bằng,
chính ủy hải quân. Họ Lý sinh tại Giang Tây và chiến đấu với
Lâm Bưu tại Mãn Châu. Trong những năm 1950, họ Lý phục vụ
tại Hải Nam và được phong chức phó đô đốc. Năm 1964 Lý Tác
Bằng trở thành tư lệnh phó của hải quân. Vốn thân cận Lâm Bưu
từ nhiều năm, Lý Tác Bằng trở thành một nhân vật chính yếu
trong bộ máy an ninh chính trị của hồng quân Trung Cộng.
Khi thay thế Bành Đức Hoài trong chức bộ trưởng quốc
phòng, Lâm Bưu đã thành công thu phục được tất cả quyền
hành cá nhân của Bành Đức Hoài trong các tổ chức quân đội.
Nhưng phải mãi đến năm 1966, khi cuộc Cách mạng Văn hoá
khởi sự thì quyền hạn của Lâm Bưu mới thực sự bắt đầu lan
rộng. Thời kỳ này đã tạo cho Lâm Bưu một cơ hội ngàn năm một
thuở, để bành trướng ảnh hưởng bằng cách sử dụng sức mạnh
quân sự, một tài năng đặc biệt của Lâm Bưu.