Cuộc Cách mạng Văn hoá do Mao Trạch Đông phát động, đã
gây nên một sự hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử Trung Hoa.
Mao chủ trương “lấy đại loạn đạt tới đại trị” nên vào lúc sôi nổi
nhất thì các phe nhóm hỗn chiến với nhau ngay ngoài đường
phố, trong xưởng máy và trường học. Các người đồng chí cũ say
sưa giết nhau bằng gậy gộc, dao búa hoặc bất cứ vật gì vớ được.
Cuộc cách mạng hung hãn đến nỗi Chu Ân Lai cũng phải than,
“Thực là một cảnh không rét mà run!” Trường học và cơ xưởng
hầu như bị tê liệt, phải đóng cửa và nền kinh tế quốc gia ngưng
trệ. Nhưng tại sao Mao phát động một cuộc cách mạng tai hại
đến như thế?
Trước hết chúng ta phải nhận thức tinh thần độc tôn của
Mao Trạch Đông. Trong con người của Mao có hai cá tính khác
nhau, một cá tính của một lãnh tụ cách mạng, và một cá tính
của một vị hoàng đế. Mao đã thực sự trở thành một hoàng đế
tân thời có quyền hành vô biên, nhưng vẫn cố gắng đóng cái vỏ
bề ngoài là một lãnh tụ cách mạng. Mao coi mình vượt lên trên
tất cả mọi người khác, như một hoàng đế ngày xưa vậy. Mao
nghĩ rằng mình là người sáng lập đảng cộng sản thì mình cũng
có quyền thay đổi đảng theo ý riêng có lợi cho cá nhân mình.
Chính Mao là người xây dựng đảng cộng sản Trung Hoa, nhưng
cũng chính Mao là người nhiều lần phá hoại đảng này. Vì muốn
duy trì chỗ đứng truyệt đỉnh trong tâm trí quần chúng Trung
Hoa, nên Mao ganh ghét giới trí thức vốn được quần chúng
ngưỡng vọng. Mao coi sự xuất hiện của giới thượng lưu trí thức
Trung Hoa như là một sự thất bại của cuộc cách mạng, và cũng
là một sự đe dọa cho địa vị độc tôn của mình. Mao đã tìm mọi
cách đầy ải sỉ nhục giới trí thức, như bắt họ phải về miền quê
làm công việc hốt phân. Nhiều trí thức như nhà văn Lão Xá, nhà
toán học danh tiếng Hoa La Canh, viện trưởng Hàn lâm Khoa
học Tôn Đề Phương, phó chủ tịch Hàn Lâm Khoa học Lý Bồi Sâm
đã bị đem ra sỉ nhục. Mao gọi trí thức là “tư sản” hoặc “tiểu tư