Vào lúc 6 giờ rưỡi, cả hành lang nhà bếp và văn phòng khách sạn nhộn
nhịp hẳn lên vì đấy là lúc người ta phải sửa soạn bữa ăn cho năm trăm
người.
Ngược với phía các phòng ăn sang trọng, lấp lánh ánh đèn, những khu
dành cho nhân viên đều âm u, ẩm thấp và chật chội. Nhân viên nhà bếp
chịu nóng bức từ các lò nấu, dãy quần áo phải mang đi giặt chồng chất dọc
theo tường bốc mùi và làm cản trở lối đi từ bếp đến văn phòng.
Các giỏ đồ dơ nằm đó đến sáng mai đợi lựa đưa đi. Vito Ferrari nằm
khoanh tròn trong một cái giỏ ở tận trên cao. Gã dỏng tai nghe tiếng rì rầm
chung quanh và nhìn qua kẽ giỏ để trông chừng người qua lại. Gã đang đợi
chờ. Sự kiên nhẫn là yếu tố thành công của tay giết người chuyên nghiệp và
ở Ferrari thì nó thật vô giới hạn.
Muốn chui lén vào giỏ, gã chỉ phải chi có 20 đôla. Người giao đồ giặt
bùi tai chịu nghe câu chuyện bịa là gã yêu lén vợ người đầu bếp chính. Cho
nên Ferrari nằm gọn trong giỏ và kim đồng hồ đeo tay quay đều. Đến 17
giờ 10, người đi lại đã bớt. Bảy giờ rưỡi, lối đi trên hành lang từ nhà bếp
đến văn phòng đã vắng ngắt.
Ferrari thận trọng mở nắp giỏ leo ra ngoài. Gã đi sát tường vượt nhanh
đến thang máy dành riêng cho nhân viên. Hành lang ở đó dẫn đến một
phòng lớn chất đầy két bia. Có tiếng thang máy đi xuống, gã nhảy vội nấp
sau đống két bia. Cabin dừng lại, cửa mở ra, hai phụ việc đẩy một cái bàn
ăn lăn ra để trống cửa. Chỉ vài giây đồng hồ, Ferrari đã nhảy vào, bấm nút
đến lầu 9.
Ferrari hiểu rằng đây là lúc nguy hiểm nhất cho gã. Nếu có ai ở trong
hành lang vào lúc gã mở cửa thang máy thì cả kế hoạch sẽ hỏng bét. Nhưng
cho đến lúc này thì may mắn vẫn đứng về phía gã, không lý do gì lần này
lại khác. Lúc bấm nút mở cửa, tay gã sờ vào báng súng lục. Hành lang vắng
ngắt. Gã bước ra, dấn mình vào hành lang đến nấp sau tấm màn che một
cửa sổ mở ra biển.
Cách đấy vài mét, một cánh cửa mở và một thiếu phụ bước ra, áo hở
ngực thật rộng. Cô ta khép cửa, vẫn để nguyên chìa khóa và từ từ bước về
phía thang máy vừa bấm nút vừa khe khẽ hát. Khi cô ta bước vào cabin,