đã chạm đến tận cùng những điểm nhạy cảm nhất trong người y, bằng
một rung động phù thủy nào đó.
“Cohn, tại sao anh không cố tỏ ra dễ thương với mọi người? Tất
cả các popaa đều ghét anh.” Popaa là tiếng Tahiti tương đương với
“dân da trắng.” “Họ bảo anh là kẻ phá hoại.”
“Kệ xác chúng nó.”
Họ đi dạo dưới bầu trời đầy sao, dọc theo đại lộ Paul Gauguin,
ngang qua ngôi trường cũng mang tên Paul Gauguin.
Sáu mươi lăm năm trước đây, người có thẩm quyền cao nhất về
đạo đức ở nước Pháp Hải ngoại là giám mục Martin ở Marquesas đã
công khai gọi người nghệ sĩ đang hấp hối đó là một verolé - tên giang
mai.
Tiếng gầm, tiếng vỡ của sóng biển càng dữ dội hơn về đêm, bởi
người ta đọc thấy trong đêm đen của biển niềm xao xuyến thâm sâu
nơi chính mình.
“Với lại, họ cần tôi. Tôi rất quý giá đối với ngành du lịch. Kẻ bị
loại bỏ nơi vùng này. Màu sắc địa phương mà. Sự huyền bí của miền
biển phương Nam - người nghệ sĩ vừa là con heo dâm dục vừa là kẻ
nổi loạn. Somerset Maugham - Hủi - Lậu. Chúng mình làm ăn được
lắm. Gauguin sẽ giúp đỡ cho tụi mình.”
Mười hai tháng trước đây, khi mới tới hòn đảo này, Cohn đã nhận
ra ngay ở đây người ta tôn thờ Gauguin một cách cuồng nhiệt. Hồi
trước, nhà cầm quyền Pháp và chức sắc địa phương đã để cho người
nghệ sĩ ấy chết trong đói rách, bị kết tội, bị lên án, đó là chưa nói đến
sự thù ghét của các nhà truyền giáo, kịch liệt cho đến nỗi, gần ba mươi
năm sau khi Gauguin chết, người cuối cùng ở đây còn sống sót là
Giám mục ở Marquesas còn viết cho vị tu sĩ dòng Benedictine là
Henry De La Borde như sau: “Tôi ước chi niềm im lặng sẽ phủ lên cái
sinh vật đáng ghét đó mãi mãi.” Thế mà giờ đây con cháu họ lại trân
trọng ký ức về “cái sinh vật đáng ghét đó”, người mà tác phẩm bây giờ