nhiều cho quá khứ nước Pháp hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào khác của
nước Pháp...”
Một vài giọt mưa ấm áp rơi xuống người họ.
Cohn leo lên xe và đạp về Ngôi nhà Hoan lạc. Có những lúc mà
những lời hài hước là điều mà y không chịu đựng nổi.
Một chiếc ca-nô xuất hiện trên đầm nước, trên có bốn người đàn
ông trẻ tuổi mặc pareu màu sáng, hoa giắt ở vành tai, làn da lấp lánh
như đồng dưới ánh hoàng hôn. Họ hát một bài Maori xưa cũ, mà ý
nghĩa mất đi cùng với các thần linh đã khuất từ lâu. Bài hát nói về dải
Ngân hà - gọi là “con cá mập xanh dài ăn đám mây” - và về nàng Sao
Hôm khoác chiếc áo choàng của đêm.
Cohn nằm dài, áp mặt vào cát ẩm và lạnh, để mặc bọt sóng biển
trắng trôi trên tóc và cổ mình. Rồi, khi cơn nhức đầu và cảm giác tội
lỗi dịu đi, y bước trở lại Ngôi nhà Hoan lạc, tim vẫn còn nặng trĩu lòng
khát khao mơ hồ, như lời hứa hẹn hay một dự báo về cuộc ra đời nào
đó trên một bãi biển nào khác trong tương lai.
Y đẩy cửa và bước vào nhà. Hầu như lập tức y va phải một cái gì
mềm nhũn trong bóng tối, và vật đó lảng xa ra ngay. Có tiếng ly vỡ và
Cohn nghe tiếng thở hào hển trong bóng tối.
“Tôi có súng trong tay và đang định sử dụng đây.” Y lên giọng:
“Bọn khốn kiếp, lúc nào cũng muốn cho tao chết.”
“Đừng, ông Cohn, xin đừng bắn. Tôi đây mà.”
“Tôi là ai?”
“Fernand Bouton.”
Bởi người Trung Hoa ở xứ này có thói quen lấy tên Pháp, nên
Cohn phải khó khăn lắm mới nhớ ra nổi đó là lão thợ may Wong Koo,
có cửa tiệm ở gần cảng. Y lấy cây đèn dầu và châm lửa. Fernand
Bouton đang nép mình tận góc phòng, kẹp một “bức tranh” khư khư
dưới nách.