không cho thấy gì ngoại trừ bức tường đằng sau, gợi lên tính hư vô
của vạn vật, như ngầm nói đến những rào cản thô bạo của tinh thần tư
bản chủ nghĩa và duy vật chủ nghĩa trước khát vọng tinh thần của
người nghệ sĩ. Ông ta cũng viết một số vở kịch không chữ, gọi là
“non-happenings”, diễn tả cái khía cạnh tĩnh tại của xã hội và đức lý
đã bị hủy hoại của con người. Để diễn những vở kịch này, các diễn
viên đứng bất động, đăm đăm nhìn khán giả để nhằm thức tỉnh họ cho
đến khi khán giả nổi điên lên, la lối, đập phá diễn viên; điều đó được
gọi là “chứng ngộ.”
Callum còn nổi tiếng vì là người giỏi nhất của Cục Tình Báo
Trung Ương CIA. Gã là người đầu tiên liên lạc với cơ quan này với tư
cách là một nhà văn có tiềm năng ảnh hưởng lớn vào thời Allen Dulles
làm giám đốc. Cơ quan này lúc đó đã bí mật góp phần tạo nên các
nhóm trí thức như nhóm Monat ở Berlin, Preuves ở Paris, hay
Encounter ở Anh.
Mắt Callum vẫn nhìn vào tờ tạp chí.
“Anh nghe đây, trong bài xã luận”; anh ta đọc. “Thế quân bình
của sự khủng khiếp là một cái gì chông chênh ngay từ định nghĩa. Nó
luôn luôn tùy thuộc vào một đột phá kỹ thuật mới, một khám phá mới,
và chính điều này giải thích tại sao cái tài năng khoa học lại trở thành
một mối nguy hiểm tiềm năng cho các siêu cường. Sự kiện chính là ở
đấy. Trong thập niên tiếp theo sau cái gọi là “tai nạn” làm chết đuối
giáo sư Tchurek ngoài khơi bờ biển Massachusetts, nước Mỹ còn mất
Rachmill, Lutchevsky, Gregory, Parks, Spetai, tất cả đều chết vì tai
nạn hoặc bệnh. Tạp chí Wallachs Bulletin, xuất bản ở Cambridge, thì
ước tính rằng trong năm 1965, có năm nhà khoa học hàng đầu của
Liên Xô đã biến mất. Pháp thì mất Berner năm 1963, Kovala năm
1964, và cả Barlemont, Frank và Gustavic. Các khuôn mặt Nhật Bản
cũng không kém danh tiếng như Koshibashi, Soto, Okinada, và Kusaki
cũng biến mất trong chỉ một năm. Những cái chết đó đều thường được
kết luận là do nguyên nhân tự nhiên. Mặc dầu có thể bị cho là trơ tráo,