Họ lội ra suối đến tận háng, và để chiều theo thôi thúc nghệ thuật
của Cohn về vị thần đã khuất, họ còn phải leo qua rừng tre dày đặc
vẫn còn bao bọc lấy khu này với những đọt trắng như đuôi nheo của
các hiệp sĩ thời cổ đại.
Vừa leo lên tảng đá là niềm hứng khởi của Cohn trổi dậy. Y cởi
quần, trải ra trên mặt đá ba-dan để đầu gối của Meeva và của y khỏi bị
trầy sướt và khi Meeva tháo chiếc Pareu ra thì y buông mình theo thôi
thúc sáng tạo, cái cảm giác quyền lực mà từ đó cả thần và người ra
đời...
Trên đường xuống lại phía dưới, Cohn ngạc nhiên thấy một cái
bóng trắng quen thuộc thấp thoáng sau hàng cây: chiếc áo dài trắng
xắn lên, một tay cầm chiếc vợt bắt bướm, tay kia xách một chiếc va-li,
cha Tamil trẻ tuổi vội vã lội ngược lên dòng suối, nước ngập đến đầu
gối, với sự nhanh nhẹn, khéo léo về thể xác cũng tương đương với sự
nhanh nhẹn về trí tuệ của ông ta. Khi trông thấy Cohn, cha Tamil dừng
lại và thốt ra một tiếng thở dài nhẹ nhõm.
“Vậy là ông đây rồi”, ông ta chỉ nói vậy, và trên đôi môi của một
tu sĩ dòng Dominicain, cách nói đó chỉ cho thấy một tâm hồn đang
thực sự lo âu.
“Thì tôi đây”, Cohn nói. Y rất hài lòng, bởi y đắm mình trong các
trò giả mạo thường xuyên đến nỗi khi có ai xác nhận sự hiện hữu của
mình, y cảm thấy yên tâm. “Có chuyện gì vậy?”
“Tôi cứ tưởng họ giết chết ông... ơ, tôi muốn nói có một ai đó
giết ông trên kia. Tôi nghe thấy tiếng gào thét như một con vật bị thọc
tiết. Nghe như tiếng thét của nạn nhân trong lễ tế thần, dẫu rằng tập
tục đó ở các đảo này đã bãi bỏ từ lâu rồi.”
“Chỉ là do tôi gào đó thôi”, Cohn thừa nhận không cần khiêm tốn.
“Chuyện gì xảy ra vậy? Có ai định giết ông sao?”
“Không, chỉ là do Meeva và tôi đang vùng vẫy trong hạnh phúc
cực độ đó thôi.”