chống lại Von Braun và Teller; niềm đam mê cuộc sống chống lại cái
tinh thần “giết sạch” của khoa học và kỹ thuật. Nhưng ta có thể chống
lại trí tuệ đến mức nào mà không trở thành một tên phát xít? Đối với
họ, “tội lỗi” nằm trong đầu, chứ không phải nơi hành vi dục tính,
không phải nỗi hoan lạc của thân xác. Lẽ tự nhiên, trong cái nhìn bí
nhiệmnhư vậy thì Gauguin trở thành một vị thánh đối với họ, một
thứ... ơ, tôi không có ý gì phạm thượng đâu, một đức Kitô của hoan
lạc. Dĩ nhiên, Mathieu là một trường hợp cực đoan của xu hướng này.
Tôi nhớ trong cuộc tuần hành phản đối năm 1963, anh ta bị bắt vì tội
có hành vi đồi trụy. Khi đó anh ta dẫn đầu đám sinh viên, ba trăm
người, tất cả đều tuột quần ra chổng mông về phía cảnh sát ở quảng
trường Grosvenor Square. Tôi có rầy anh ta một trận sau đó. Ít gì thì
cũng là một vị giáo sư của Collège de France... Và câu trả lời của anh
ta thì tiêu biểu cho xu hướng của họ: “Chẳng có gì đồi trụy nơi chuyện
mông đít cả. Chính cái đầu của chúng ta mới đáng quan tâm. Tôi
chẳng thấy có gì đáng phàn nàn về chuyện người ta tụt quần ra cả. Khi
con người tàn sát, hủy hoại đồng loại, bao giờ cũng mặc áo quần chỉnh
tề cả. Mathieu là như vậy đó...”
“Nhưng về sự kiện thì như thế nào?”, Malraux chen vào, hỏi Paul
Dastier.
Viên đại tá hắng giọng, “Vâng, chứng cớ về sự tương đồng về
tính cách thì rất nhiều. Mọi người từng biết Mathieu đều nhớ rằng thái
độ ứng xử của anh ta không giống chút gì mà ta thường nghĩ về một
nhà khoa học. Bất thường, bộc phát, nổi loạn - la bohème, như quí vị
thấy đó. Cách sống của các thi sĩ bị đày ải, như Rimbaud, Verlaine,
hoặc của một số bọn trẻ ngày nay. Luôn luôn là xì căng đan. Một thiên
tài khoa học biến thành một kẻ lạc hướng, có thể nói như vậy. Rượu
chè, tất nhiên. Còn về tình dục thì thật là quá độ...”
Malrauz hơi mỉm cười, nhận xét “Như cách ông vừa mới nói hồi
nãy, đại tá ạ, một tình yêu cuồng nhiệt cuộc sống luôn luôn dẫn đến
tuyệt vọng - nhưng chỉ bởi vì tình yêu ấy vẫy gọi sự bất tử.”