Cohn làm theo. Con người có thể làm gì khác hơn khi đối diện
với cái bản ngã đích thực của mình và với dòng chữ “không lối ra”
viết đầy khắp da thịt? Y uống thêm một cốc, rồi một cốc, một cốc
khác nữa.
Một ánh chớp vàng lóe lên ngoài cửa hang, rồi lại tối câm và từ
xa vang lại tiếng trống từ thiên giới...
Tamil nhìn y với một vẻ tò mò, “Ông bị một thứ bệnh chân voi -
Elephantiasis - về luân lý. Ông Cohn ạ, tức là tình trạng ý thức đạo
đức bị sưng lên đến cực độ. Cái ý thức mặc cảm tội lỗi khổng lồ của
những người như Bertrand Russel, như Jean-Paul Sartre và như ông
chính là trường hợp bản ngã trương phồng một cách kỳ dị, trương
phồng đến mức làn da của các ông bao phủ toàn bộ địa cầu. Họ - và cả
ông - nhìn những lỗi lầm của nhân loại như một sự xúc phạm đến cá
nhân mình. Hình như các ông không nhận thức ra rằng một thái độ
như vậy thực ra mang tính chất trưởng giả đến nhường nào. Đúng ra
ông phải thôi hành hạ mình như cách ông đã làm từ ba năm nay, ông
Cohn ạ.”
Cohn đưa mắt nhìn viên sĩ quan, “Tôi đã tra tấn, hành hạ mình từ
hai ngàn năm nay, đó là nói con số tối thiểu đấy!”, y gầm lên.
“Vâng, vâng, tất cả chúng tôi đều biết ông mang trong lòng điều
đó. Nhưng ngay cả không có ông, không có sự đột phá của ông, nước
Pháp vẫn biết cách để chế tạo một vũ khí hạch tâm, và nó cũng sẽ
được thử nghiệm ở đây. Vì thế cái vở kịch bí mật đến Tahiti - hiện
trường “tội ác” của ông - tất cả những thái độ bất mãn, nhạo cợt đối
với tri thức và nền đạo đức hiện tại của chúng ta... Một lương thức bị
sưng phồng quá độ cần phải được trị liệu. Bác sĩ của ông ở Paris, Dr
Birdek, người đã săn sóc ông trong hai lần ông bị suy sụp thần kinh
sau cùng, hẳn sẽ có cơ hội đưa ông trở lại với sự bằng an của tâm hồn
mà một khoa học gia lớn cần có để theo đuổi công việc của mình, dầu
cho công việc đó có mang lại những hệ quả nào đi nữa. Nhà khoa học