Đại loại như vậy. Điên cả.”
“Mà, thế anh có phải là Mathieu không?”
Cohn rụng rời thiếu đường nuốt luôn cả lưỡi của mình.
“Cái gì”, y gầm lên, “Ai, tôi ấy à? Cô loạn trí rồi.”
“Em không biết nữa. Tại sao anh lại không thể là người đó? Anh
hầu như là bất cứ ai mà em đã từng gặp.”
Cohn phơi phới trong dạ. Đối với lại một Picaro, đó là lời khen
ngợi lớn lao nhất.
Nhưng điều cấp bách nhất đối với y bây giờ là lo cho sự an toàn
của chính mình. Đến ngày thứ ba sau khi từ bán đảo trở về, Cohn đi
tìm Tamil và gặp ông ta - đúng như y đoán - ở Tổng hành dinh của Bộ
Chỉ Huy Chiến Dịch Pháp Hải ngoại tại con đường tên Thống chế De
Lattre. Cohn đưa cho Tamil một lá thư.
“Xem đây, thư dán tem rồi đấy. Ông có thể đọc trước, bởi đằng
nào lũ thuộc hạ khốn kiếp của ông cũng sẽ bóc xem trộm thư tôi mà.”
Trong thư, Cohn báo cho Richard Helms, giám đốc CIA rằng cái
đề nghị được ông ta lập đi lập lại nhiều lần mời “Giáo sư Mathieu tiếp
tục công việc của mình tại Mỹ đã được hoan hỉ chấp nhận. Sẽ liên lạc
với giáo sư ở Tahiti, nơi ông ấy được giới nghệ sĩ biết đến dưới cái tên
Genghis Cohn.”
“Đây chỉ là bản sao thôi đấy”, Cohn cảnh cáo viên đại úy, “Bản
chính đã gởi đi rồi, cũng như đối với những đề nghị tương tự từ Trung
Quốc, Nga, Anh và cả Albania nữa đấy. À, nếu như ông quan tâm, thì
chính là Matthews, người tuần trước đã trốn đi Ecuador, đã mang
những lá thư ấy đi đó.”
Tamil ném chiếc phong bì vào sọt rác, “Ông không thể nghiêm
chỉnh được sao? Ông là thành viên của Collège de France mà.”
“Đúng vậy, nhưng tôi là một kẻ phản bội bẩm sinh. Tôi muốn
phản bội bất cứ ai, bất cứ khi nào, nơi nào. Tôi không dọa đâu. Đối
với tôi phe nào cũng thế thôi. Vả lại, mẹ tôi lại là một phụ nữ Mỹ dịu