Một bi kịch Phi-Mỹ. Nói cách khác, cái tầm quan trọng của mặc
cảm phạm tội. Về một con người không thể tạo dựng được một lương
tâm dày vò, hay là câu chuyện về bài hát nổi tiếng số một,
“Hiroshima, người hủy diệt ta” ra đời như thế nào.
Ý tưởng hình thành, Cohn đã sẵn sàng. Con người thanh giáo
trong y chưa bao giờ lỡ hẹn với ngọn lửa thiêu đốt đó. Cái con người
lý tưởng bí mật sâu kín trong Cohn chưa bao giờ ngừng cung cấp cho
y những gì thô bạo nhất.
Một niềm thôi thúc không cưỡng lại được, sắc bén, đầy hoan lạc
và tin tưởng tràn ngập con tim y. Con người phải xem các dải thiên hà
trên trời cao như những hòn cuội vô nghĩa dưới bước chân và phải
chiếu sáng con đường đi bằng hàng tỉ tỉ năm ánh sáng.
Và thế là y đã sẵn sàng để lại nhảy múa.
“Tôi chính là đứa con trai bất hạnh của con người đã ném bom
Hiroshima. Cha tôi không dám nhìn vào mắt tôi do bi kịch cá nhân của
ông - mặc dù ông ta là một con người đã phạm vào một tội ác khủng
khiếp nhất trong lịch sử, ông ta vẫn không thể nào có được một mặc
cảm tội lỗi trong mình. Chính vì thế mà ông ta cảm thấy không Mỹ
chút nào cả và chỉ là một tên khốn kiếp.
“Ông trốn tránh đồng loại, xa lánh mọi người, bị dày vò, bị
nghiền nát bởi cái mặc cảm khủng khiếp rằng mình không có một mặc
cảm tội lỗi chút nào hết. Ông thay tên đổi họ luôn luôn, nhưng báo chí
vẫn tìm ra ông vì ông chính là biểu tượng tội lỗi lớn lao của nước Mỹ
và là người tuẫn giáo cho khoa học. Bố tôi là một người đơn giản và
ông chịu không nổi đủ thứ niềm thông cảm, lòng xót thương của mọi
người dội xuống đầu ông, kẻ đã phạm một tội ác lớn lao đến thế.
“Mẹ tôi thì lại xuất thân từ một gia đình có nguyên tắc đức lý
chặt chẽ hơn, vì thế đối với bà lại dễ dàng hơn nhiều; bà tự nhiên có
mặc cảm tội lỗi, thế là bà liền có những tình nhân người Nhật, hết
người này đến người khác. Dĩ nhiên, đó là nhằm được tha thứ và nhằm
trừng phạt ông chồng tội lỗi của bà. Thế là khách Nhật Bản đổ đến nhà