công chuyện của ông. Tôi cướp cơm của ông, ông bảo vậy. Cuối cùng,
đại diện của tôi và bố tôi đi đến một thỏa thuận: Tôi làm ăn ở bờ biển
phía Tây, còn bố tôi hoạt động trên tất cả phần còn lại của đất nước.
Bố tôi biết chơi đàn ghita sơ sơ, nên có người viết cho ông một
bài dân ca, “Hiroshima, người hủy hoại đời ta.” Ông thu đĩa và tức
khắc bán vượt con số đĩa của Joan Baez, đứng đầu trong mười bài ăn
khách nhất trong năm. Từ một gợi hứng tương tự, ở Pháp người ta làm
phim Hiroshima, Mon Amour hết sức thành công. Quả là bố tôi và quả
bom của ông ta đã khởi đầu cho một sự bùng nổ văn hóa thực sự.
Tôi bắt đầu thật sự thù ghét cha tôi. Cái lão già này xem ra hên
quá. Cố bắt chước, tôi cũng mua một cây đàn ghita điện và cố làm một
vài bài dân ca của riêng mình, với sự trợ giúp của một vài cậu mới từ
ở Việt Nam về. Nhưng vào lúc này có quá nhiều người làm cái vụ này
quá, nên không ăn nổi.
Phần còn lại chắc quý vị đã biết. Bố tôi quả đã tạo ra được cả một
phong trào phục sinh trong dân ca. Bom, phóng xạ, Việt Nam, phân
biệt chủng tộc... tất cả trở thành một phần không thiếu được của di sản
văn hóa và nghệ thuật dân gian Hoa Kỳ, những bài du ca, dân ca mang
tính chất phản kháng xã hội của Bob Dylan, Joan Baez và hàng trăm
người khác, những thành tựu đồ sộ đến nỗi không ai có thể bảo việc
bỏ bom Hiroshima là vô ích được. Hiện giờ, bố tôi làm chủ một công
ty thu dĩa và một nhà xuất bản băng, dĩa nhạc, ông trở thành biểu
tượng của sự phấn đấu, sức phục hồi tinh thần lớn lao của Hoa Kỳ, là
bằng chứng sống động rằng ta không thể coi thường một con người tốt
được. Người ta nhắc đến ông như một ví dụ điển hình con người Hoa
Kỳ tự tin khởi đi từ con số không - thì đúng là cái thành phố ấy đã bị
xóa sạch mà - và làm được những điều kỳ diệu vượt qua mọi trở lực.
Người Mỹ chúng ta gọi là “thành công thần kỳ” mà. Bố tôi là một
trong những “dòng giống tiên phong”, người ta bảo vậy.
Ông chẳng hề cho tôi lấy một xu. Ông bảo ông bất bình việc tôi
làm và khuyên tôi nên kiếm một việc khác chứ đừng xía vô cái chuyện