những câu chuyện phiêu lưu vô tận được thêu dệt muôn màu muôn vẻ,
luôn luôn được kết thúc bằng thắng lợi của gã là thoát khỏi tay nhà
cầm quyền. Các Picaro sống sung túc nhờ tiền của giới quý tộc Tây
Ban Nha trong hơn một thế kỷ rưỡi. Đó là những kẻ nhạo báng và là
loài ăn bám với một niềm thù hận, những kẻ vô chính phủ đầu tiên của
nhân loại, những kẻ nổi loạn không cả niềm hy vọng lẫn đức tin, mà
mục đích là lừa gạt tầng lớp cai trị ở mọi dạng, dẫu là giáo hội, vua
chúa, quý tộc, thương gia hay cảnh sát... Chúng là những tên đồi bại
theo một cách kiêu hãnh và thách đố: Khinh bỉ cái xã hội tội lỗi và đồi
trụy, chúng hãnh diện làm những tên bịp bợm trung thực. Giờ đây
Cohn cố gắng duy trì cái tinh thần tự do của những bậc tiền bối đã
khuất bóng từ lâu trong lịch sử đó.
Lão người Hoa hét lên, “Tôi sẽ làm cho người ta trục xuất ông.
Tôi...”
Cohn nhíu mày, càu nhàu: “Im đi, lão già. Đã có một thời tôi
kiếm ăn rất khá bằng cách cung cấp cho nhân dân Châu Phi và Châu Á
một hình ảnh hấp dẫn về sự suy tàn của Tây Phương. Tôi nhớ là đã
sống qua một tháng trời thật là thú vị khi đứng ăn xin ngay trước sứ
quán Hoa Kỳ ở Ghana. Đúng là một biểu tượng hoàn hảo cho sự thất
bại của chủ nghĩa thực dân. Thật tuyệt vời cho tinh thần Phi Châu! Tôi
đứng đó, dưới quốc huy hình con ó của Hoa Kỳ, ngửa tay xin tiền, như
một biểu hiện cho sự bất lực của người da trắng. Cuối cùng thì Tòa
Đại sứ Mỹ phải chi tiền cho tôi: một trăm năm mươi đôla một tháng,
với điều kiện tôi phải làm kiểu ấy trước tòa đại sứ Pháp. Chẳng may,
tờ Herard Tribune đánh hơi được và tố cáo chuyện này, thế là chính
quyền ở Ghana trục xuất tôi như là một tên provocateur người Hoa...”
Điều này cũng có thật. Vào khoảng thời gian đó, báo chí có nhắc
đến hai gã Picaro kiếm ăn ở San Francisco bằng cách tuyên bố rằng họ
chính là người đã thả bom Hiroshima và giờ đây không thể nào sống
nổi với mặc cảm tội lỗi của mình. Ngày ấy tội lỗi là một chứng khoán
đắt giá và đầu tư vào tội lỗi thì chắc chắn có lời. Một trong hai gã đó