muốn những ngày cuối phải được bình yên và không còn biến cố nào xảy
đến với anh nữa.
Rồi khi ngày đó đến, đầu tiên anh ta tỏ vẻ rất đàng hoàng, chững chạc như
chấp nhận số phận của mình. Nhưng khi lính gác đến dẫn anh ra hành lang,
bất ngờ anh ta phản ứng lại. Phản kháng không hung hãn nhưng chứa đầy sự
tuyệt vọng. Anh với tay níu chặt chấn song không chịu bước đi và òa lên
khóc nức nở như trẻ con. Anh không la lối ồn ào, chỉ ghì lại bằng hai cánh
tay run rẩy, nước mắt đầm đìa trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng. Thấy anh trì
hoãn, một tên lấy dùi cui đập tàn bạo vào hai tay anh, nhưng anh vẫn không
chịu buông ra, cứ cố gắng níu kéo mảnh đời đau khổ cuối cùng của mình.
Nhìn cảnh này thật là kinh khủng. Một con người đơn độc, một người không
muốn rời bỏ thế giới nghiệt ngã này mà bị buộc phải tiến đến để kết thúc
giây phút cuối. Anh ta phải biết rằng đâu còn gì cho anh, dù chỉ thêm một
ngày, một phút hay ngay cả vài giây đi nữa. Không còn gì hết, có chăng là
một cuộc đời vô vọng ở Bang Kwang. Nhưng anh vẫn không đi. Cái giây
phút cuối ngọt ngào làm sao, đối với anh đó là tất cả: Giây phút cuối còn lại
đầy nước mắt cùng với một nhóm lính cầm dùi cui đập tàn bạo để anh buông
hai bàn tay khỏi chấn song!
Khi một con người sắp bước vào cõi chết không có ai bên cạnh, cũng
không một lời an ủi là điều đáng buồn nhất; và tôi ao ước mình sẽ không bao
giờ phải chứng kiến cảnh này nữa.
*
* *
Tại Bang Kwang, những anh tù có hành vi tốt thường được tin cẩn, được
nhiều ân sủng và được cho mặc đồng phục màu xanh, được cầm dùi cui như
các nhân viên của trại. Những anh này gọi là lính ‘áo xanh’. Trước đây họ
cũng can tội giết người hoặc có hành động bạo lực nhưng vì biết cách bảo vệ
bản thân bằng nhiều mưu mô nên chiếm được một chỗ tốt trong hệ thống
nhà tù. Tuy vậy, họ vẫn bị xem là tù nhân. Khi có một anh lính nào cần ngủ
trong phiên trực thì anh chàng ‘áo xanh’ này thay thế để trông coi mọi việc.
Đa số họ rất hài lòng vì được ân sủng nên đối xử với những người còn lại