Lý thuyết đó nay đã phổ thông và nổi tiếng – thường gọi là Lý thuyết của
Freud về não thức – có thể tóm thu trong hai mô hình đơn giản, chúng ta đã
thấy trong tập sách này. Mô hình thứ nhất là một “núi băng trên biển” với ba
vùng tương ứng với: ý thức, tiền-ý thức và vô thức. Mô hình thứ hai, là –
“Não thức ba ngôi” – hay ba cơ cấu não thức: Id (đọc là Ít), ego và superego,
tôi đề nghị dịch là cái-Đó (tôi muốn cái đó và ngay bây giờ), cái-Ta (gượm
gượm đã nào, để xem không biết có được không), và Cái-Ta-Lý-tưởng (tởm
thật, sao thèm thuồng xấu xa đến thế! Quên hết cả liêm sỉ!).
Đặc biệt, Id là kho chứa của những bản năng, Freud phân thành hai nhóm,
ông gọi là hai “class” – hiểu như hai tập hợp lớn của những bản năng:
Những bản năng Sống: chính yếu là những xung lực đòi thỏa mãn đói, khát,
tự bảo vệ, tình dục. Ông lấy tên thần ái tình Eros đặt cho chung cho chúng,
chính yếu là bản năng khao khát tình dục – vì những bản năng này muốn
sống, muốn sinh con đẻ cái, và cũng có nghĩa là muốn được thương yêu.
Xung lực của bản năng này cũng được gọi bằng một tên gọi đặc biệt, biết
đến nhiều nhất Libido. Những bản năng Chết: những bản năng này khó thấy,
vì thường kết hợp, trộn lẫn với những bản năng Sống khác, nhưng khi nó
quay ra ngoài-sẽ thấy qua tính gây hấn hung hãn, chiến tranh, dai dẳng lập đi
lập lại những ép buộc thúc bách phi lý. Ông cũng đem tên thần chết đặt cho
nó là Thanatos, xung lực hủy hoại tàn phá của nó là Destrudo, đối lập với
Libido
Sau đây nhắc lại một vài điểm quan trọng với những khái niệm vừa kể, dù
có thể là thừa thãi.
Vô thức
Freud không phải là người khám phá ra vô thức, nhưng ông là một nhà lý
thuyết về vô thức, giải thích vô thức tác động ra sao, ảnh hưởng của nó như
thế nào. Qua đó, Freud là người đã sáng tạo ra một hình ảnh mới về não
thức, không phải như là trung tâm được lý trí chiếu sáng, nhưng của đen tối