an ủi của tôi, và đó có thể là tôn giáo của tôi nếu như ban quản trị bệnh viện
chấp nhận cho sửa đổi đôi chỗ: tôi muốn nâng cao chấn song sắt lên để trốn
mọi tiếp xúc.
Mỗi tuần một lần, ngày thăm bệnh nhân quấy rối cõi yên tĩnh trong đó tôi
sống đằng sau những chấn song kim loại màu trắng. Vào ngày đó, kéo tới
những người muốn cứu vớt tôi, những người tìm tiêu khiển trong việc yêu
thương tôi, những người cần đến tôi để tự trân trọng, tự tôn vinh, tự biết
mình. Sao mà họ mù quáng, bồn chồn, quê kệch! Họ lấy những móng tay
như gọng kìm cào cào hàng song sắt láng trắng ở giường tôi, lấy bút bi hoặc
bút chì vẽ nguệch ngoạc lên lớp vẹc-ni những hình người dài ngoằng khiếm
nhã. Tay trạng sư biện hộ cho tôi vừa tới đã chụp chiếc mũ ni-lông lên cọc
giường tôi và chào hỏi oang oang tưởng đến làm sập cả phòng bệnh. Chừng
nào y còn ở lại trong phòng - lạ gì cái thói bẻm mép của dân thày cãi - hành
vi bạo lực của y còn làm tôi mất thăng bằng và thư thái.
Sau khi đặt quà cáp lên chiếc bàn một chân phủ tấm vải sơn màu trắng kê
dưới bức tranh thuốc nước vẽ cỏ chân ngỗng và kể lể chi tiết những kế
hoạch cứu chữa mà họ đang hoặc sắp sửa thực thi, nhằm nhồi vào đầu tôi,
đối tượng của những xoay sở không biết mệt của họ, ý thức về mức độ tận
tâm của họ, những con người này lại thấy tràn trề yêu đời và từ giã tôi. Lúc
đó, tay y tá của tôi mới đến; anh ta làm thông thoáng phòng rồi gom nhặt
các sợi dây buộc những gói quà. Nhiều khi, thông phòng xong, anh còn có
thì giờ vừa ngồi bên giường tôi gỡ dây vừa toả ra mênh mông im lặng đến
nỗi cuối cùng, tôi gọi im lặng là Bruno và Bruno là im lặng.
Bruno Münsterberg - thôi không đùa nữa: đó là tên người y tá của tôi -
mua cho tôi năm trăm tờ giấy viết. Nếu số dự trữ này không đủ, Bruno, vốn
độc thân, không vợ không con, quê ở Sauerland, sẵn sàng đến cái xưởng
giấy nhỏ một lần nữa (ở đây bán cả đồ chơi) kiếm cho tôi những gì cần thiết
để hoàn thành bài tập hồi ký của mình, tôi hy vọng thế. Tôi ắt chẳng bao
giờ có thể yêu cầu những người đến thăm tôi giúp cho việc ấy, không thể