ngái ngủ sau một ngày phơi nắng, nhấm nháp kem phúc bồn tử. Một cô
khoảng mười lăm tuổi đánh rơi chiếc kem hình nón, định nhặt lên song lại
lưỡng lự và cuối cùng bỏ cái món giải khát mau tan chảy ấy cho những
phiến đá lát đường và đế giày của những khách qua đường sắp tới; chẳng
bao lâu nữa, cô sẽ thành người lớn và sẽ thôi ăn kem ngoài đường.
Đến phố Schneidermuhlen-Gasse, chúng tôi rẽ trái. Quảng trường
Hevelius, ở đầu đằng kia con phố nhỏ này, kín đặc những cảnh vệ ss đứng
thành từng nhóm: thanh niên và trung niên với băng đeo tay và súng trường
của cảnh sát an ninh. Kể ra, nếu đi vòng rồi từ khối phố Rähn vào sở, thì
cũng dễ thôi. Jan Bronski đi thẳng đến chỗ bọn ss. Mục đích của bác đã rõ
ràng: bác muốn để bọn này ách lại trước mắt các cấp trên của mình (họ chắc
chắn phải theo dõi quan sát Quảng trường Hevelius từ sở bưu chính) và bắt
quay lui. Bác hy vọng tự tạo cho mình một hình ảnh tương đối đàng hoàng -
một anh hùng bị ngăn trở - đe sau đó trở về nhà vẫn bằng chuyến xe điện số
5 đã chở bác đến.
Bọn cảnh vệ để chúng tôi qua; có lẽ họ không bao giờ nghi rằng con
người sang trọng ăn mặc lịch sự dắt một thằng bé lên ba lại có ý định đến sở
bưu chính. Họ lễ phép khuyến cáo chúng tôi nên cẩn thận và chỉ đến khi
chúng tôi qua cổng ngoài có rào sắt và tới gần cửa chính của sở, mới hô:
Đứng lại! Jan ngoảnh lại, phân vân. Cánh cửa nặng nề hé mở và người ta
kéo chúng tôi vào bên trong và đây, chúng tôi đã ở trong sảnh chính mờ mờ
tối và mát rượi của sở bưu chính.
Các đồng nghiệp chào đón Jan Bronski không lấy gì làm thân ái cho lắm.
Họ nghi ngờ ông, có lẽ họ đã coi như bác "biến" rồi. Thậm chí một số tuyên
bố rất thẳng thắn rằng họ đã bắt đầu nghi ngờ là thư ký bưu vụ Bronski
muốn đào nhiệm. Jan khó mà thanh minh. Không ai nghe cả. ông bị đẩy vào
một hàng người đang chuyển những bao cát từ dưới hầm nhà lên. Những
bao cát này cùng nhiều đồ vật linh tinh khác được chất lên đằng sau những