cửa sổ; các tủ hồ sơ và những bàn ghế nặng được chuyển lại gần cửa chính
để chèn lại thành chiến lũy trong trường hợp khẩn cấp.
Có người hỏi tôi là ai, song không có thì giờ đợi Jan trả lời. Ai nấy đều
bồn chồn đứng ngồi không yên. Có lúc họ quát nhau rồi đột nhiên lại thầm
thì, thận trọng quá đáng. Cái trống của tôi và sự cùng quẫn của nó đã bị
quên lãng. Không thấy bác gác cổng Kobyella đâu, người mà tôi trông cậy,
người mà tôi hy vọng sẽ phục hưng cái mớ đồng nát lủng lẳng nơi cổ tôi;
chắc bác đang ở trên tầng hai hay tầng ba của tòa nhà, tất bật như những
nhân viên văn phòng và bưu tá xung quanh tôi đang chất những bao cát để
chống đạn. Rõ ràng là sự có mặt: của Oskar gây bối rối cho bác Jan của nó.
Cho nên khi cái ông mà những người khác gọi là Tiến sĩ Michon tiến đến
dặn dò Bronski, tôi thừa cơ lỉnh đi. Sau khi thận trọng tránh ông Tiến sĩ
Michon này - ông đội một chiếc mũ sắt Ba Lan và hiển nhiên là sếp sở - tôi
nhìn quanh và cuối cùng tìm ra cầu thang dẫn lên tầng hai. Phía cuối hành
lang cầu thang tầng hai, tôi phát hiện thấy một căn phòng tầm trung bình
không có cửa sổ, ở đó không có ai chuyển hòm đạn hoặc chất bao cát.
Trong căn phòng vắng ngắt, nhiều giỏ quần áo có bánh xe đựng đầy thư
với những con tem đủ màu sắc được đẩy sát vào nhau. Đó là một phòng
trần thấp dán giấy phủ tường màu đỏ son. Tôi ngửi thấy loáng thoáng mùi
cao-su. Một cái bóng điện không có chụp rủ từ trần xuống. Oskar quá mệt
không thiết tìm nút bật tắt nữa. Xa xa, tiếng chuông các nhà thờ Đức Bà,
Nữ Thánh Catherine, Thánh Jean, Thánh Bridget, Nữ Thánh Barbara, Chúa
Ba Ngôi và Thân Xác Chúa Kirixitô, đồng thanh báo hiệu: Mười giờ rồi
Mày phải đi ngủ thôi, Oskar. Vậy là tôi nằm vào một trong những cái giỏ
thư, đặt cái trống cũng mệt như tôi bên cạnh mình và ngủ thiếp đi.