thoảng anh quay lại và ném một cái nhìn hờn dỗi, sốt ruột, qua bức tường
về phía đường cái lớn, nhất là khi những chuyến xe điện, thường là vắng
ngắt, dừng ở chỗ quành, tránh nhau, rung chuông khi lướt qua nhau theo
những chiều đối nghịch. Leo hẳn đang đợi những người đưa tang. Nhưng
không có ai đến, bằng xe hơi cũng như đi bộ, để anh chia ra một chiếc găng
phân ưu.
Một lần, mấy cái máy bay rít trên đầu chúng tôi, chuẩn bị hạ cánh. Chúng
tôi không ngẩng lên nhìn, chúng tôi chịu đựng tiếng gầm gào mà không
buồn ngó nghiêng để biết chắc đó là ba chiếc máy bay loại Ju-52 với đèn
nhấp nháy ở đầu cánh đang chuẩn bị hạ cánh.
Một lát sau khi tiếng động cơ tắt - im lặng cũng nhức nhối như màu trắng
bức tường trước mặt - Leo Schugger thò tay vào bên trong áo sơ mi, lôi ra
một vật gì. Lát sau, anh đứng bên cạnh tôi. Giựt cái áo qua khỏi vai Oskar,
anh lao về phía bờ biển, và trước khi đi vào đám thông lùn, đậu chổi và tầm
xuân, buông rơi một cái gì đó với một cử chi có tính toán nhằm gợi ý là tôi
phải tìm cho ra.
Chỉ đến khi Leo đã khuất dạng hẳn - một hồi, anh vẫn di động ở phía
trước như một bóng ma cho đến khi những đám sương mù trắng nhờ nhờ
như sữa là là mặt đất nuốt chửng lấy anh - chỉ đến khi chỉ còn độc trọi mình
tôi với cơn mưa, tôi mới với tay nhặt cái vật đang nằm trên cát: đó là một
quân bài xì cạt, quân Bẩy pích.
Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ ở nghĩa trang Saspe ấy, Oskar gặp bà ngoại
Anna Koljaiczek trong phiên chợ hằng tuần ở Langfuhr. Giờ đây, khi không
còn biên giới ở Bissau, bà lại có thể mang trứng, bơ, bắp cải và táo vụ đông
của mình đến chợ. Thiên hạ mua nhiều, họ bắt đầu tích trữ vì sắp sửa hạn
định khẩu phần lương thực đến nơi rồi. Cùng lúc Oskar trông thấy bà nó
ngồi sau mớ hàng, nó cảm thấy quân bài xì-cạt trực tiếp trên làn da trần của
nó, dưới các lớp áo măng-tô, pu lô vơ và nỉ lót. Thoạt đầu, trên đường từ
Saspe về Quảng trường Max-Halbe, sau khi một người lái xe điện mời tôi đi