Một buổi sáng lành lạnh tháng mười một năm 1949, khi Schmuh hãy còn
sống và bọn tôi đã tập được vài tuần trên bờ sông Rhine, lần đầu tiên ông
nói với chúng tôi; giọng ông oang oang và xẵng đến mức không thể coi là
tự nhiên: “Làm sao tôi có thể bắn chim được khi mà tiếng kèn trống của các
cậu làm chúng sợ bay đi hết?”
“Ôi,” Klepp nói ra cách xin lỗi, giơ cây sáo ra như bồng súng chào, “Ông
quả là con người hào hoa thẩm nhạc tuyệt vời, tiếng súng của ông hòa nhịp
hoàn hảo với những giai điệu của bọn tôi. Tôi hết sức kính phục, thưa ông
Schmuh!”
Schmuh hài lòng thấy Klepp biết tên mình và khi ông hỏi làm sao hắn
biết, Klepp làm ra vẻ bất bình: “Dào, ai mà chả biết ông Schmuh. Ra phố,
lúc nào chả nghe thấy người ta nói với nhau: Schmuh kìa, Schmuh đang đi
ngả kia, anh hay chị có thấy Schmuh vừa nãy không, hôm nay Schmuh đi
đâu nhỉ, Schmuh đi săn chim sẻ...”
Được tôn lên thành một nhân vật quần chúng như vậy, Schmuh bèn mời
thuốc lá chúng tôi, hỏi tên chúng tôi và xin được thưởng thức một bài trong
bảng tiết mục của chúng tôi. Đáp ứng yêu cầu, chúng tôi chơi một bản taigơ
rách, thế là ông gọi bà vợ đang ngồi trên một phiến đá, trầm tư với dòng
nước sông Rhine. Cuộn mình trong chiếc măng-tô lông thú, bà tới nhập bọn
với chúng tôi và chúng tôi lại chơi tiếp, lần này là bài “Xã hội thượng lưu”.
Khi bản nhạc vừa dứt, bà nói trong chiếc măng-tô lông thú: “Chao, Ferdy,
đây chính là cái mình cần cho Hầm.” Hình như ông cũng đồng ý. Quả vậy,
ông có cảm giác như chính ông đã đi tìm chúng tôi khắp nơi và giờ đây đã
thấy. Tuy nhiên, Schmuh vẫn trầm ngâm lựa mấy miếng đá bẹt ném thìa lia
trên mặt sông như để có thì giờ suy nghĩ, tính toán, trước khi đưa ra đề
nghị: liệu chúng tôi có đồng ý chơi ở Hầm Hành từ chín giờ tối đến hai giờ
sáng, mỗi người mười mark một đêm... chậc, cho là mười hai mark đi... có
được không? Klepp nói mười bảy để cho Schmuh hạ xuống mười lăm là
vừa, nhưng Schmuh chỉ dừng ở mức mười bốn rưỡi và thế là ngã giá.