Nhìn từ mặt phố, Hầm Hành cũng giống như nhiều hộp đêm mới, nghĩa
là chỉ khác những quán bar hoặc quán rượu cũ ở chỗ giá cao hơn. Lý do đặt
giá cao hơn: cách trang trí nội thất “tân kỳ” - những hộp đêm này thường tự
mệnh danh là “câu lạc bộ nghệ sĩ” - và một phần cũng bởi cách đặt tên độc
đáo: Phòng Ravioh [2] (kín đáo và thanh lịch), Húy Kỵ (bí ẩn và hiện sinh),
Ớt Bột ( cuồng nhiệt) và tất nhiên cả Hầm Hành nữa.
Hai chữ Hầm Hành và “chân dung” hồn nhiên đến mức xót xa của một củ
hành được vẽ bởi một bàn tay cố tình làm ra vụng về trên một tấm biển
tráng men treo theo cách cổ xưa của người Đức vào một cái giá bằng sắt
uốn trước cửa nhà. Cửa sổ duy nhất được lắp những ô kính tròn màu xanh
chai. Cánh cửa ra vào bằng sắt sơn chống gỉ hẳn đã được dùng làm cửa hầm
phòng không trong những năm chiến tranh. Người gác cửa đứng bên ngoài
khoác một tấm da cừu quê mùa. Không phải bất cứ ai cũng được phép vào
Hầm Hành. Nhất là vào những ngày thứ sáu, ngày phát lương, nhiệm vụ của
người gác cửa là đẩy lùi một số khách từ Khu Phố Cổ mà Hầm Hành là quá
đắt đối với họ. Bên trong cạnh cửa sơn chống gỉ, những người được phép
vào sẽ thấy năm bậc bê-tông, rồi đến một chiếu nghỉ rộng khoảng một mét
vuông, ở đó tấm áp-phích quảng cáo một cuộc triển lãm tranh Picasso điểm
vào một nét độc đáo mang tính nghệ thuật. Xuống bốn bậc nữa là phòng gửi
mũ áo với tấm biển các-tông nhỏ “Xin trả tiền sau”; thật vậy, gã thanh niên
ở quầy (thường là một sinh viên mỹ thuật để râu) không chịu nhận tiền
trước: Hầm Hành đắt đã đành nhưng còn là nơi có hạng nghiêm túc.
Đích thân chủ nhân chào đón từng vị khácih bằng những cử chỉ kiểu
cách, những cái nhướn mày ý nhị như thể thụ pháp cho khách vào một nghi
thức huyền bí nào đó. Như chúng ta đã biết, tên chủ nhân là Ferdinand
Schmuh; ông là một người thỉnh thoảng đi săn chim sẻ và có con mắt tinh
tường nhanh chóng nhận ra lớp người mới phất lên ở Düssendorf (và cả ở
những nơi khác nữa, nhưng không nhanh bằng) sau cải cách tiền tệ.