XIV
Kẻ ở người về
Gian phòng gác của ông Mỹ Bối tại một toà nhà ở phố Hàng Bạc, tuy
rộng hơn cái lỗ mũi đấy, nhưng hôm nay đã nghiễm nhiên bày rõ một cái
quang cảnh của nơi nghị trường nhằm ngày các ông Dân biểu họp.
Sáu giờ sáng, sau khi theo đúng lời dặn ân cần của ông ấm rằng lại chờ
tại nhà này có một việc tối quan hệ, lúc tôi cùng anh Vân vừa để chân lên
sàn gác, đã thấy đủ một nửa tá các ông tuổi từ hai mươi đến bốn mươi, Âu
phục có, quốc phục có, “lai phục” nữa cũng có, – ông nào cũng chải chuốt,
tề chỉnh lắm, đang kẻ nước, kẻ thuốc lào, kẻ thuốc lá; nói chuyện bô bô như
bọn dân quê gào thét, mổ bò.
Tôi đưa mắt hỏi thì ông Mỹ Bối ghé vào tai tôi:
- Đủ mặt nhân vật của làng b… đấy nhé! Trông đã… sung sướng chưa?
Cái ông đã già, ăn mặc nhũn nhặn đây kia là ông Cửu Sần, dáng người
trông có vẻ dân Đình Dù ấy. Còn hai người ngồi cạnh, cũng áo sa, giày ban
thì người có tuổi là Tư Cường mà người trẻ hơn, trông hao hao giống kép
Phẩm của Cải lương Hí viện là Hai Yêm. Ngồi đối diện anh chàng giày ta,
mũ tây là Quế con và anh chàng khăn lượt, giày đơ cu lơ
[57]
Sinh Từ. Cậu trẻ người mặt trông bịp nhất, cầm can bịt bạc kia là Bỉnh…!
Ông trông có phải họ người nào cũng ra vẻ… thật thà cả không! Thật thà cả
đấy chứ?
Vừa lúc này có tiếng giày nện trên bậc thang. Ông ấm bước lên, bắt tay
một lượt rồi quay lại hỏi anh Vũ:
- Thế nào? Thằng cha Sinh đâu?
- Lão ấy không có nhà. Tối hôm qua tôi đến thì vợ lão mặt sưng mày sỉa
lên kêu rằng chồng mình hôm qua phát tài, có lẽ lại đâm sang hát bên Gia
Quất…