Chúng tôi khẽ nghiêng đầu, con mắt tinh quái liếc nhìn ông Châu. Ông ta
vẫn thản nhiên lắm! Ông ấm có ý phàn nàn:
- Tôi đã hẹn với quan anh đến 11 giờ trưa vì tôi đang bận đưa đám thì
quan anh lại cứ ép đi ngay!
Ông kia rút cái bót thuốc lá dài hơn một gang tay ở miệng ra:
- Thôi, quan anh bằng lòng vậy. Tôi còn nhiều việc lắm mà thời giờ thì
kíp quá rồi. Quan anh lên xe, rồi ta về nhà lấy hành lí.
Thế là ông mở phanh cửa xe có ý thúc giục. Ông ấm quay lại:
- Ông nào có việc cần lắm hãy về, còn nếu có thời gian thì cứ đi đến
huyệt cho chu tất hộ tôi nhé, anh em nhé! Thôi, xin tạm biệt các anh em…
Ba người bước lên xe, xe chạy đi, để lại ít khói xanh và ít bụi. Lúc này là
lúc anh em làng b… kháo nhau ồn ào.
Ông Mỹ Bối, một cách chán nản:
- Mình cũng đi về thôi.
Ông gọi xe, chúng tôi bước lên. Tôi hỏi:
- Sao ông lại cứ nhường cho anh Vân! Để tôi lại không lôi nổi anh ta về
Bắc! Đang khi ông bị lúc kinh tế quẫn bách mà lại bỏ mất một dịp phát tài.
Ông ta lạnh lùng:
- Thôi, lăn lộn trong làng b… thế là đủ rồi, cần gì phải loã lồ quá nữa?
Đám ma anh Ba Mỹ Ký đã khiến tôi có những cảm tưởng lạ lùng và lấy làm
chán chường về cuộc đời “theo bịp” của tôi.
Câu ấy khiến tôi quay cổ nhìn lại. Anh em làng bịp, vắng ông ấm, như
quân vô tướng, hổ vô đầu, bỏ mặc kệ đám, lên xe điện tìm đường chuồn cả.
Sau cái nhà tang, chỉ thấy còn sáu người vận quần áo tang.
Phố xá vẫn giữ cái nhộn nhịp, hoạt động của ban ngày.
Người phu cắm cổ kéo, chúng tôi trở về, lại theo con đường rải rác có
những thỏi vàng hồ, con đường đi về chỗ ở cuối cùng của một người mà cái
ban ngày của cuộc đời không xoá nhoà vết tích…