- Người ông mới được quen có thật là viên hàng tỉnh trên thượng du hay
không chẳng biết, nhưng cứ cái dáng người bệ vệ, đứng đắn phong lưu ấy,
cứ sự cùng thua với ông hơn bốn trăm bạc, mà lại bảo là bịp thì có lẽ nào!
- Thời buổi này, người ta có hàng trăm, hàng nghìn chiếc mặt nạ để đeo
vào rồi tha hồ mà “kinh tế”, sự cùng thua bạc với mình kia chỉ là một khoé
rất khôn ngoan phụ thuộc vào việc xếp cảnh, biết đâu!…
Chưa biết quyết nên ngờ hay tin, ông còn hoài nghi, nghĩ ngợi…
Đến đây, người vú ẵm cậu con út của ông bước vào. Cậu bé, hai má bánh
đúc lại lúm đồng tiền, tuổi chưa đầy lên hai, cứ nhoài người ra, tay mũm
mĩm giơ đến phía ông, miệng ấp úng gọi: “Ậu! Ậu!…” Chẳng như mọi lần
khác, thấy con theo mình thì ông xốc ngay vào lòng để hôn con cho đến
phát khóc, phát thét, lần này ông quắc mắt quát người vú: “Ẵm nó ra ngoài
kia!” Rồi ông lại tự gắt với mình: “Thì nghĩ ngợi làm cóc gì? Chốc nữa
người ta đến đây đòi tiền, mình sẽ lựa lời đưa đẩy, dò xét ý tứ xem sao rồi…
nếu quả như lời… thì… cho một vố!” Phải, nghìn ba trăm bạc tuy không là
bao nhưng là của bị mất, không vì đỏ đen mà lại vì bịp, còn chi đáng tức
cho bằng? Cho một vố, tuy định như thế rồi nhưng nói cho cùng, chính ông,
ông cũng chưa hiểu rõ rằng “vố” là cái sự gì ông định thi thố đây!…
Thôi đi, ông Mầu ơi, ông không phải doạ! Đúng như lời hẹn, cái người
ông đang nóng lòng chờ đợi để mong lột hẳn chiếc mặt nạ ra cho rõ đen, rõ
trắng, đã đứng ngoài phòng giấy ông đây kia.
- Bẩm lạy quan lớn…
- Không dám ạ… Lạy quan lớn, rước quan lớn ngồi.
Ông Mầu vội vàng đứng dậy, bỏ chiếc ghế chao, quay vào phía trong:
- Anh Ba đâu?… Đặt nước chè!
Ấy đấy, trước mặt người khách trông rất bệ vệ, sự hấp tấp giữ nghi lễ của
ông tỏ rằng chưa chi ông đã sắp bại trận. Phân ngôi chủ khách đâu đấy rồi,
ông Mầu nhìn chòng chọc khách một cách có ý tứ, như muốn nói: “Ông rõ
mày rồi, ông sắp giật cái mặt nạ ở mặt mày xuống đây…”. Còn khách thì
vẫn thản nhiên như không để ý đến cử chỉ của ông chút nào.