Lúc này, giữa hai người có luồng không khí im lặng rất khó chịu… Vì cả
hai bên có lẽ cùng đoán được rằng sẽ có sự không hay xảy ra.
- Quan lớn đến lấy số tiền hôm qua tôi vay?
- Bẩm vâng ạ.
Ông nghị đáp thế rồi đưa mắt nhìn khắp gian phòng. Thế là cả hai lại
ngồi im một lúc lâu, người tìm câu nhập đề, kẻ tìm câu ứng đối. Cuộc
“chiến tranh tĩnh toạ” này nếu không được đứa đầy tớ bưng ra khay nước
chè thì chưa biết bao giờ mới có hồi trống thu quân. Sau cùng ông Mầu
đánh bạo:
- Canh bạc hôm qua, có người đã nói rõ cái lẽ tại sao tôi thua rồi; ngài
dạy hộ: bây giờ tôi nên xử trí với ngài ra sao?
Cái vẻ ngạc nhiên ngây thơ của ông nghị nó hiện ra sau câu nói đường
đột, lạ tai kia, hầu như muốn gọi quỷ thần hai vai soi xét.
- Thưa ngài, ngài nói gì, tôi không hiểu, ngài nói lại cho nghe!
Trước cái thái độ rất bình tĩnh ấy, ông Mầu cũng hơi chột dạ, đã tưởng
mình lầm. Nhưng ông cũng liều một phen mà quả quyết:
- Thôi đi, ngài đừng giả ngây, giả dại nữa. Chính tôi đã bị ngài bịp, tôi rõ
mọi khoé của ngài rồi.
- Tôi… bịp ngài à??? Lấy gì làm bằng cớ?
- Tiếc rằng lúc ngài hành động tôi lại không có sẵn cái máy quay phim!
Lời doạ của ông Mầu thế mà có công hiệu. Ông nghị chẳng còn đóng nổi
cái vai kịch ngạc nhiên nữa, mà vẻ bẽn lẽn hiện ngay trên mặt. Thấy thế
công của mình có phần thắng, ông Mầu phóng thêm một mũi thương nữa:
- Chỗ người lớn với nhau, ông cứ nhận đi là phải. Ông làm nghề bạc bịp
thì cũng như tôi làm nghề buôn gỗ chứ có khác gì? Ông có gan nhận, tôi xin
phục là người quân tử, nếu ông chối thì chối cũng chẳng được nào mà lại tỏ
mình là tiểu nhân.
Biết rằng việc mình làm đã bị người tố giác, lại muốn làm “quân tử” nữa,
ông nghị trơ trẽn mà rằng: