Nhưng ông nghị đã bày trò cho một tay sai của ông giở đến đòn trinh
thám kia, còn mình trong lúc ấy, lại vào hùa với ông Mầu, cùng đánh với
ông. Cho nên đánh bạc đã già đời đến như ông Mầu mà còn bị cho vào xiếc.
Ông nghị kể trên nào phải ai xa lạ, chính là ông ấm B… Còn người cho
tôi được rõ thủ đoạn “tàng hình” với “chính khách” của ông ấm… là kí Vũ.
*
* *
Vào hồi Tự Đức, tỉnh Hải Dương với Bắc Ninh có giặc Cai Vàng. Đồng
thời với giặc Cai Vàng, nước ta còn bị bọn giặc Tam Đường là bọn giặc Tàu
tràn sang quấy nhiễu. Bọn Tam Đường lại có thể là lính được, nếu triều đình
nước nhà biết cách dùng họ. Dân gian đều có ý ấy và dần dần ý ấy thấu đến
tai vua.
Tại Hưng Yên có một vị quan huyện muốn hấng lấy cái trọng trách mộ
bọn khách Tam Đường. Tiền trong công khố chẳng đủ, quan huyện tìm
cách… kinh doanh.
Quan nghĩ ngợi trong ba hôm, đến hôm thứ tư, sai lính trải chiếu la liệt
khắp sân huyện đường cho dân tự do mở bát. Canh bạc ấy có thể bảo là
không tiền tuyệt hậu ở đất Nam. Hồ lì là một thầy đề, xóc cái chính là quan
huyện. Con bạc gồm đủ ta lẫn khách, đánh phần nhiều bằng bạc nén. Thoạt
đầu, quan chỉ bán chứ không mở. Canh bạc đã thấy xô xát, quan mới đứng
dậy, để cái chức xóc cho một người dân. Quan lảng vảng ở ngoài, có ý dò
thế trận. Hốt nhiên quan vào mở một tiếng, thua to! Mặt quan tái như gà cắt
tiết. Rồi quan bảo thằng người nhà trông hộ bát, đi phóng uế một lát rồi vào.
Lúc vào, quan hò cả làng đặt tiền ra xong, cầm ngay bát chực mở… Cả làng
xúm vào kêu quan chưa xóc nhưng quan nhất định là đã xóc rồi. Lần mở
trước, quan kêu là chẵn đã phải giam. Thấy quan lẫn, cả làng lại xô nhau
vào đánh chẵn. Mấy chú khách thương hại quan đã quá thua nên lẫn, quả
quyết là quan chưa xóc. Nhưng quan vẫn nhất mực là đã xóc, họ bực mình,
ra điều “đã muốn chết thì cho chết”, ồ ạt cá nhau đặt tiền vào chiếu chẵn.
Quan cầm bát vừa mở… vừa kêu: lẻ về! Rồi quan vơ hết cả những đồng nén
bạc vì… lẻ thật, thế có lạ không?